Vinahud tiếp tục lỗ lớn quý đầu năm 2024

VHD Vinahud
08:48 - 05/05/2024
Phối cảnh Dự án Grand Mercure Hoi An. Ảnh minh họa: Vinahud
Phối cảnh Dự án Grand Mercure Hoi An. Ảnh minh họa: Vinahud
0:00 / 0:00
0:00
Chi phí tài chính tăng đột biến so với cùng kỳ là một trong những lý do khiến Vinahud báo lỗ tới hơn 51 tỷ đồng trong quý 1/2024.

CTCP Phát triển nhà và đô thị Vinahud (Vinahud – UPCoM: VHD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, ghi nhận 50 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với 71,7 tỷ đồng của quý 1/2023, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 67% về còn 2,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến từ 403 triệu đồng lên 11,2 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính tại tăng 18 lần lên 55,22 tỷ đồng, với 50 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Vinahud còn ghi nhận 835 triệu đồng lỗ trong công ty liên kết, liên doanh; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi lên 8,5 tỷ đồng.

Kết quả, Vinahud lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 50,8 tỷ đồng, khấu trừ chi phí thuế, Vinahud báo lỗ 51,4 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 593,5 triệu đồng của cùng kỳ quý 1/2023. Trước đó trong năm 2023, Vinahud cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế 164 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 21,5 tỷ đồng.

Khoản lỗ của quý 1/2024 tăng lỗ lũy kế của Vinahud từ 134,5 tỷ đồng lên 186 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3/2024 của công ty này cũng giảm 21% so với đầu năm về còn 195 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Vinahud tăng nhẹ lên 4.976 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 979 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, 1.516 tỷ đồng hàng tồn kho và 1.774 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.

Bóc tách cơ cấu các khoản phải thu ngắn hạn, 1.054,54 tỷ đồng trong số đó là phải thu về cho vay, bao gồm 184,9 tỷ đồng phải thu về cho vay các cá nhân, 510,28 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group), 298,5 tỷ đồng từ bà Phạm Thị Hạnh. Bên cạnh đó, Vinahud còn ghi nhận 395 tỷ đồng phải thu góp vốn theo thảo thuận của hợp đồng ủy thác đầu tư.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Vinahud tăng nhẹ so với đầu năm lên 4.782 tỷ đồng, tương đương tới 96% tổng cộng nguồn vốn. Chiếm phần lớn cơ cấu nợ là 1.266 tỷ đồng người mua trả tiền trước theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, và 2.358 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính.

Phần lớn nợ vay của Vinahud tới từ 1.986 tỷ đồng vay dài hạn với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB)

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/4/2023, cổ đông Vinahud đã thông qua tờ trình nhận chuyển nhượng từ R&H Group 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends với mức giá 987,5 tỷ đồng; 100% Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng. Tổng giá phí của 2 thương vụ là 1.937,5 tỷ đồng.

Trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.550 tỷ đồng sẽ được thu xếp bởi TPBank, cao gấp 2,6 lần tổng tài sản và 3,8 lần vốn chủ sở hữu của Vinahud tại thời điểm đầu năm 2023.

Các thương vụ M&A kể trên diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn (từ ngày 14/4-3/5/2023). Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, R&H Group đã phát hành thành công 8.150 tỷ đồng trái phiếu, với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đóng vai trò là bên thu xếp.

Khoản cấp tín dụng với Vinahud là một trong những chủ đề được cổ đông TPBank quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 23/4 vừa qua.

Chia sẻ về khoản vay nói trên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết câu chuyện về rủi ro tín dụng là vấn đề thận trọng với ngân hàng. Các khoản cấp tín dụng của TPBank đều đủ điều kiện cho vay theo quy định của NHNN và pháp luật hiện hành.

TPBank có nhiều khách hàng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và ngân hàng luôn tuân thủ những quy định về cấp tín dụng để đảm bảo rủi ro. Đối với các dự án có hồ sơ có pháp lý đầy đủ, tài sản đảm bảo tốt, lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ là những dự án có hiệu quả trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp