Việt Nam kêu gọi Đài Loan đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Đài Loan Hợp Tác
16:45 - 08/04/2024
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử bán dẫn, đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên doanh nghiệp hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn.

Chiều ngày 8/4, Tổng Hiệp Hội Thương mại Đài Loan Thế Giới (WTCC) và Uỷ Ban Công tác Đài Loan tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc)". Đây là hoạt động bên lề sự kiện “Hội nghị Liên ngành Hội đồng và Giám sát lần thứ 2 khoá 30” từ ngày 8 - 9/4/2024 của Tổng hội Thương mại Đài Loan thế giới được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, với 2.000 đại biểu thuộc 176 Hiệp hội thành viên ở 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Phát biểu sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhận định, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển tích cực và ngày càng sâu rộng trên nhiều ngành và lĩnh vực. Các nhà đầu tư từ đảo Đài Loan đã đến Việt Nam từ khi nước ta còn đối mặt với khó khăn trong những ngày đầu mở cửa, hai thị trường cũng đã vượt qua những thách thức trong và sau Covid… Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của Đài Loan trong khu vực ASEAN và thế giới.

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan đạt 2,2 tỷ USD. Lũy kế đến hết năm 2023, Đài Loan đứng thứ 4/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với gần 3.200 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39,5 tỷ USD. Đài Loan hiện còn là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam hiện trên đà phục hồi và phát triển kinh tế. Năm 2023, Việt Nam đạt mục tiêu tổng quát đề ra, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát, tăng trưởng kinh tế năm ở mức 5,05% thuộc mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, xuất siêu kỷ lục với 28 tỷ USD…

Ảnh tác giả
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

“Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy kinh tế, giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hoàn thiện thể chế pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn”.

Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Đài Loan là nền kinh tế lớn với trình độ công nghệ kỹ thuật cao với hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có đầu tư tại Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy hợp tác đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam thời gian tới, Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Đài Loan đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử bán dẫn, đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên doanh nghiệp hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn. Đây cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp Đài Loan có thể mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đài Loan tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư lao động cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất; đề nghị doanh nghiệp Đài Loan liên kết với doanh nghiệp Việt đủ điều kiện để liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, bên cạnh tuân thủ quy định pháp luật, doanh nghiệp Đài Loan còn cần quan tâm đến đời sống người lao động, an sinh xã hội.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Trong khi đó, chia sẻ về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Phạm Tấn Công – Chủ nhiệm Ủy ban công tác Đài Loan cho biết, Việt Nam luôn nằm trong Top 10 thế giới về thu hút FDI, môi trường kinh doanh ở Việt Nam luôn được quan tâm hoàn thiện, tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Việt Nam có nền kinh tế mở, là điểm đến hấp dẫn, là nơi hội tụ các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Việt Nam là thành viên của 16 Hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tại khu vực châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.

Bên cạnh đó, định hướng chuyển đổi số và xây dựng kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam cũng là một trong những yếu tố tích cực để các nhà đầu tư Đài Loan phát huy được thế mạnh khi đầu tư vào Việt Nam. Với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào và là một thị trường không nhỏ với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Việt Nam giữ được sự cân bằng, ổn định trong quan hệ với các cường quốc hàng đầu thế giới, giữ được vị thế quốc tế và là quốc gia có hoà bình và ổn định chính trị - xã hội hàng đầu thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Việt Nam cũng đang phấn đấu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Đây là mục tiêu, là khát vọng, là động lực chung của quốc gia cũng như của mỗi người dân và của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh tác giả

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Tất cả các yếu tố nêu trên tạo nền tảng và cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào giai đoạn phát triển mới của kinh tế Việt Nam, giai đoạn Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển. Các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo… sẽ tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, Đài Loan hợp tác cùng thắng tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường toàn cầu”

Ông Phạm Tấn Công

Hiện Đài Loan là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam với quy mô đầu tư FDI đã đạt gần 40 tỷ USD. Đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương khoảng 25 tỷ USD.

Hiện tại, các nhà đầu tư Đài Loan đã có mặt tại hầu hết các tỉnh và thành phố của Việt Nam từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, đầu tư của Đài Loan trong hơn 30 năm qua đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, đồ gỗ trong thập niên 90 của thế kỷ 21 sang những ngành nghề điện tử công nghệ cao. Các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxconn, Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta… hiện đều đã đầu tư vào Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp