Thượng viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới

bình đẳng THÁI LAN
16:40 - 18/06/2024
Người dân tham gia tuần hành ủng hộ cộng đồng LGBT+ tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Shutterstock
Người dân tham gia tuần hành ủng hộ cộng đồng LGBT+ tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/6, các nhà lập pháp tại Thượng viện Thái Lan chính thức bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, mở ra con đường đưa Thái Lan trở thành nơi đầu tiên tại Đông Nam Á công nhận bình đẳng hôn nhân.

Các thượng nghị sĩ bắt đầu phiên họp lúc 9h30 sáng ngày 18/6 theo giờ địa phương và cuộc bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng về dự luật diễn ra vào buổi chiều cùng ngày. Kết quả là Thượng viện Thái Lan chính thức thông qua dự luật này với 130 phiếu đồng ý, 4 phiếu phản đối và 18 phiếu trắng.

Theo hãng tin AFP, sau khi Thượng viện Thái Lan thông qua, dự luật này sẽ được chuyển đến Vua Maha Vajiralongkorn để xin sự đồng ý của hoàng gia. 120 ngày sau khi được công bố chính thức trên Công báo Hoàng gia, luật sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Luật mới sẽ bao gồm các thay đổi đối với các từ như “đàn ông”, “phụ nữ”, “chồng” và “vợ” trong luật hôn nhân thành các thuật ngữ trung lập về giới tính. Ngoài ra, luật mới cũng cũng cấp cho các cặp đồng giới những quyền giống như những cặp đôi dị tính, đặc biệt là đối với các vấn đề nhận con nuôi và thừa kế.

Với động thái này, Thái Lan sẽ trở thành nơi thứ 3 tại châu Á cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn sau đảo Đài Loan và Nepal. Tính tới hiện tại, hơn 30 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng kể từ khi Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức hôn nhân đồng giới vào năm 2001.

Trước mắt, các nhà hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này đang hy vọng đám cưới đồng giới đầu tiên có thể được tổ chức sớm nhất là vào tháng 10 tới.

Nhận định về động thái trên, ông Tunyawaj Kamolwongwat, một nghị sĩ của Đảng Move Forward, ngày 18/6 cho biết: “Hôm nay là ngày mà người dân Thái Lan sẽ mỉm cười. Đây là một chiến thắng cho người dân. Cuối cùng điều này cũng xảy ra ở Thái Lan ngày hôm nay”.

Trong khi đó về phía Thủ tướng Srettha Thavisin, người vẫn luôn lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBTQ và dự luật - cho biết sẽ mở cửa nơi ở chính thức của mình cho các nhà hoạt động và những người ủng hộ tổ chức lễ kỷ niệm sau cuộc bỏ phiếu ngày 18/6. Các nhà hoạt động cũng sẽ tổ chức một cuộc mít tinh ở trung tâm Bangkok, nơi các trung tâm mua sắm đã treo cờ cầu vồng để thể hiện sự ủng hộ kể từ khi tháng 6, hay còn được gọi là Tháng Tự hào, bắt đầu.

Cuộc bỏ phiếu ngày 18/6 là kết quả của nhiều năm vận động cũng như nhiều năm nỗ lực bị cản trở. Các nhà hoạt động xã hội đã vận động cho quyền kết hôn đồng giới trong hơn một thập kỷ tại Thái Lan nhưng không đạt được nhiều tiến triển do những chậm trễ tới từ biến động chính trị và sự bất đồng về cách tiếp cận và những gì nên đưa vào dự luật.

Trước đó vào năm 2022, Quốc hội Thái Lan đã tiến hành tranh luận về 4 dự luật liên quan đến quyền của nhóm LGBTQ+, bao gồm hôn nhân đồng giới, quyền công dân và bình đẳng hôn nhân. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã không thể đi đến cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi kết thúc phiên họp hồi đầu tháng 3/2023.

Ngày 26/3, Hạ viện Thái Lan chính thức thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân trong phiên họp cuối cùng nhờ sự ủng hộ từ 400 trong số 415 nhà lập pháp. Tới ngày 2/4, Thượng viện Thái Lan tiến hành tranh luận về dự luật này.

Tin liên quan

Đọc tiếp