Cà Mau: Từ con tôm đến ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau: Từ con tôm đến ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau KINH TẾ
07:22 - 27/06/2024
Cà Mau – vùng đất cực Nam Tổ quốc nổi tiếng với sản phẩm tôm và cũng đóng vai trò chủ lực trong ngành này của Việt Nam. Cùng nỗ lực chung, tỉnh không ngừng phát triển và ngày càng khẳng định vị thế con tôm Cà Mau trên trường quốc tế.

Ngành tôm Việt Nam nhiều năm liền mang về kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Có được kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của các địa phương trọng điểm như Cà Mau. Để có cái nhìn rõ hơn về những gì ngành tôm của tỉnh đang đối diện cũng như sự phát triển, chiến lược dài hơi của Cà Mau, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt.

Mekong ASEAN: Hiện nay, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau đứng top đầu cả nước. Xin ông cho biết về thực trạng phát triển ngành tôm của tỉnh và sự đóng góp của ngành trong nền kinh tế Cà Mau thời gian qua?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau hiện có gần 280.000 ha nuôi tôm với nhiều loại hình nuôi như bán thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh kết hợp, góp phần tăng sản lượng và giá trị ngành tôm.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 38 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản với quy mô lớn và vừa, có tổng công suất thiết kế khoảng 250.000 tấn/năm, sản lượng tôm chế biến hàng năm đạt trên 150.000 tấn/năm; thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý, vận hành, sản xuất hiện đại so với khu vực và thế giới.

Tôm Cà Mau hiện đã đạt chuẩn và xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, EU… Trong nhiều năm liền, ngành tôm Cà Mau luôn ở trong top đầu cả nước về diện tích, sản lượng tôm với kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD/năm. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hàng năm đóng góp khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và 85 - 90% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Mekong ASEAN: Ngành tôm Cà Mau đang có những cơ hội phát triển lớn nào thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Sau thời gian đối mặt với khó khăn, thách thức, ngành tôm của tỉnh đang dần mở ra những cơ hội, lợi thế phát triển. Trong đó, các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đang cải thiện nhu cầu nhập khẩu, doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh tồn kho giảm.

Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Các FTA mang lại nhiều cơ hội, lợi thế (nhất là về thuế quan) trong xuất khẩu hàng hoá, bao gồm mặt hàng tôm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự phát triển từ phía địa phương cũng đang tạo ra những cơ hội lớn cho ngành. Theo đó, những năm qua, Cà Mau luôn chú trọng xây dựng các vùng nuôi tôm theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế.

Các doanh nghiệp chế biến tôm của tỉnh còn được trang bị công nghệ, trình độ quản lý, vận hành, sản xuất hiện đại. Hầu hết các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada…; tỉnh còn có lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm giá trị gia tăng.

Người nuôi, doanh nghiệp, nhà mua luôn được hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện để xây dựng liên kết chuỗi, linh hoạt trong đáp ứng nhu cầu thị trường theo năng lực.

Mekong ASEAN: Tỉnh Cà Mau đã, đang và sẽ có những chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp ngành tôm thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Tỉnh Cà Mau rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là công tác mời gọi đầu tư đối với các dự án nuôi tôm tập trung trên địa bàn tỉnh.

Một số chính sách được tỉnh cụ thể hóa và đang triển khai như các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau; chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau; chính sách phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 – 2030...

Tỉnh Cà Mau còn triển khai đến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu tiên nguồn vốn vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù để phát triển trung tâm đầu mối về thủy sản của tỉnh, vùng và khu vực.

Mekong ASEAN: Xin cho biết đánh giá của ông về vai trò của báo chí trong bức tranh giao thương ngành tôm của tỉnh thời gian qua?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Thực tế, báo chí ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu của địa phương và quốc gia, góp phần rất lớn vào những thành tựu của ngành tôm với vai trò tiên phong trong xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam ra thế giới.

Mới đây, tỉnh Cà Mau đã tổ chức 2 sự kiện lớn là Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023; Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024). Những hoạt động này đều nhận được sự quan tâm, đồng hành của giới truyền thông trong nước, quốc tế. Từ đó, góp phần đưa ngành tôm phát triển bền vững, khẳng định vị thế và thương hiệu tôm Cà Mau; quảng bá, giới thiệu về một Cà Mau giàu tiềm năng, lợi thế, năng động, tình nghĩa, phát triển bền vững, hội nhập.

Mekong ASEAN: Xâm nhập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Cà Mau. Để có thể giữ vững vị thế, phát triển những kết quả đã đạt được của ngành tôm, tỉnh Cà Mau sẽ có những giải pháp nào ứng phó với tình trạng trên, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và những tác động cực đoan của nó gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành tôm. Để ứng phó với tình trạng trên, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo theo dõi diễn biến thiên tai để có biện pháp chỉ đạo ứng phó, khắc phục, hạn chế thấp nhất những thiệt hại. Đồng thời, theo dõi diễn biến độ mặn và các yếu tố môi trường trên các sông rạch và ao/ruộng nuôi để có kế hoạch chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại; xây dựng Hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản hàng năm và thông tin, khuyến cáo nông dân thực hiện.

Cà Mau còn xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước, đặc biệt ở các vùng nuôi tôm tập trung (thâm canh, quảng canh cải tiến, sinh thái) để theo dõi các biến động môi trường, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin và cách xử lý những tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn đến hoạt động sản xuất.

Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả phương án quy hoạch phát triển ngành tôm, gắn với quy hoạch phát triển thủy lợi, nông nghiệp và lâm nghiệp, đảm bảo phát triển hài hòa các lợi ích và hỗ trợ nhau trong tiến trình phát triển.

Quy hoạch nuôi tôm chú trọng nuôi tôm sú theo hình thức sinh thái, hữu cơ với nhiều hình thức khác nhau như nuôi quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp với các đối tượng nuôi khác vì đây là lợi thế của tỉnh; tập trung chuyển đổi hình thức nuôi tôm sú quảng canh kết hợp sang hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nhằm nâng cao năng suất và sản lượng.

Đối với hình thức nuôi tôm công nghiệp, tỉnh chỉ quy hoạch các vùng nuôi tập trung, không phát triển nuôi ở vùng tôm - rừng và tôm sinh thái.

Đối với tôm thẻ chân trắng, Cà Mau chỉ phát triển nuôi với hình thức siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh ở những vùng nuôi có điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất chung của tỉnh.

Mekong ASEAN: Xin ông cho biết về chiến lược dài hơi của tỉnh Cà Mau trong việc phát triển ngành tôm cũng như đưa con tôm của tỉnh vươn xa trên thị trường thế giới?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Chiến lược phát triển lâu dài của Cà Mau là tập trung xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn chuỗi ngành tôm, đặc biệt có những chính sách để thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ, áp dụng công nghệ mới như tự động hoá, công nghệ nano... trong toàn chuỗi ngành tôm. Tỉnh nâng định mức và thời hạn vay vốn đối với đầu tư phát triển ngành tôm, ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.

Cà Mau sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên các dự án phát triển sản xuất; đa dạng hoá hình thức đầu tư và nguồn vốn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành tôm của tỉnh.

Cà Mau sẽ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm; giảm giá thành sản xuất hướng tới không sử dụng hoá chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tỉnh phát triển nuôi tôm phù hợp cho từng đối tượng, loại hình nuôi với từng vùng sinh thái và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, đối với nuôi tôm sú, Cà Mau phát triển nuôi ở tất cả các vùng với nhiều hình thức như thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh, tôm - lúa, tôm - rừng... gắn với các tiêu chuẩn chất lượng như tôm sinh thái, tôm hữu cơ, ASC...

Đối với nuôi tôm chân trắng, tỉnh phát triển nuôi chỉ với hình thức siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh ở những vùng nuôi có điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản.

Đối với nuôi tôm càng xanh, tỉnh phát triển nuôi với các hình thức quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi bán thâm canh ở những vùng sản xuất tôm - lúa, tập trung phát triển nuôi tôm càng xanh toàn đực để nâng cao sản lượng và giá trị.

Cà Mau thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng sinh thái; tổ chức đánh giá, tổng kết các mô hình sản xuất hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu để tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi cho người nuôi tôm.

Tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tôm tập trung; xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm Cà Mau đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường thế giới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp