Long An: Xúc tiến đầu tư, giao thương với tất cả các thị trường phù hợp

Long An: Xúc tiến đầu tư, giao thương với tất cả các thị trường phù hợp

Giao thương Long An
11:00 - 28/06/2024
Trong cuộc trao đổi với Mekong ASEAN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn khẳng định tỉnh sẽ không ngừng mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng phát triển xuất, nhập khẩu bền vững.

Mekong ASEAN: Trong quý 1/2024, Long An có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 1,72 tỷ USD, ông có nhận xét gì về kết quả này? Xin ông cho biết trong thời gian tới Long An có kế hoạch phát triển những mặt hàng nào?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,72 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, chiếm 27,74% tổng kim ngạch xuất khẩu của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (6,2 tỷ USD).

Dù tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên qua khảo sát vẫn còn gần 28% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý 1/2024 khó khăn hơn; 50% doanh nghiệp đánh giá ổn định và 22% doanh nghiệp đánh giá là tốt hơn.

Điều này cho thấy doanh nghiệp đang dần hồi phục và tỉnh sẽ tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển xuất khẩu.

Trong những quý tiếp theo, để duy trì đà tăng trưởng, tỉnh sẽ mở rộng xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; quảng bá hình ảnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh, tiếp cận các doanh nghiệp lớn, có năng lực và tiềm lực tài chính mạnh để mời gọi đầu tư vào tỉnh.

Về các sản phẩm xuất khẩu, Long An có khoảng 40 nhóm hàng xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng cao trong năm 2023 như: dệt may khoảng 1,5 tỷ USD; da giày khoảng 1,3 tỷ USD; nông sản chế biến trên một tỷ USD; các sản phẩm có xu hướng tăng như phụ tùng, cơ khí, sắt thép, điện tử đạt khoảng một tỷ USD, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ, chất dẻo, hóa chất, thủ công mỹ nghệ, dược liệu,...

Thời gian tới, Long An tiếp tục giữ vững thị trường đối với các mặt hàng đã xuất khẩu; mở rộng các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng; ưu tiên xuất khẩu các nhóm hàng như nông sản chế biến sâu; công nghiệp công nghệ cao: điện, điện tử, phần mềm, công nghiệp vật liệu mới,...

Mekong ASEAN: Hiện Long An đang có hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả tỉnh, vậy Long An có kế hoạch gì nhằm mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Long An, chính quyền Long An đã và sẽ thực hiện 4 giải pháp chính gồm:

Thứ nhất, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối và phát triển các trung tâm logistics, cảng biển với các khu cụm công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu.

Thứ hai, hình thành các cụm liên kết ngành để kết nối doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; giải quyết nhanh các thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Mekong ASEAN: Long An không chỉ là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt trong năm 2023 Long An đã vươn lên trở thành “Á quân” trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông có thể chia sẻ về những chính sách giúp Long An đạt được thành tựu này?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Long An đã nỗ lực cải thiện và tạo dấu ấn riêng khi vươn lên vị trí Á quân trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023 và đứng đầu vùng.

Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng lòng của chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp Long An trong việc cải thiện và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Long An đã thành lập các Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Năm 2023, tỉnh cũng đã triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Đây là bước đi mạnh mẽ trong cải cách, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong minh bạch thông tin, xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền đối với doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp.

Mekong ASEAN: Ông có thể giới thiệu thêm cho doanh nghiệp về các lĩnh vực tiềm năng mà địa phương đang cần thu hút vốn và chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Long An sẽ tập trung thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh vào các ngành, lĩnh vực có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế như các ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí, chế tạo,...), công nghiệp công nghệ cao (điện tử, phần mềm, vật liệu mới,...),ưu tiên năng lượng sạch, công nghệ bán dẫn.

Long An đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận các dòng vốn đầu tư vào tỉnh như hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch tiếp nhận đầu tư, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông từ khu, cụm công nghiệp với hệ thống cảng biển; cải thiện môi trường đầu tư, hình thành Trung tâm đào tạo lao động quốc tế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mekong ASEAN: Long An là cửa ngõ kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Quan điểm Lãnh đạo UBND tỉnh như thế nào về phát triển hạ tầng giao thông, logistics liên kết vùng nhằm tận dụng những lợi thế trên?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Với vị trí chiến lược của mình, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông không những đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tỉnh mà còn phải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phân bổ 15.532 tỷ đồng, chiếm 61,65% tổng vốn đầu tư công trung hạn cho đầu tư hạ tầng giao thông. Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn để đầu tư cho các công trình trọng điểm, đột phá.

Với vị trí địa lý mang tính kết nối, Long An xác định logistics là ngành kinh tế quan trọng và đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An có lợi thế so sánh phát triển ngành dịch vụ logistics, cảng quốc tế Long An có khả năng tiếp cận nhận tàu tải trọng 70.000 tấn đã đi vào hoạt động; nhiều dự án kho vận, dịch vụ giao nhận,... đã và đang tích cực triển khai.

Trong thời gian tới, để ngành kinh tế này đi vào thực chất, Long An có các chính sách phát triển cụ thể như: Đề xuất Bộ Tài chính thành lập Chi cục Hải quan Cảng quốc tế Long An; đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích container qua cảng quốc tế Long An; hỗ trợ cảng Long An hoàn thiện hạ tầng kết nối; thúc đẩy cảng quốc tế Long An ký kết hợp tác với các cảng lớn trên thế giới: như cảng Oakland (Mỹ), cảng Long Beach (Mỹ), cảng Laem Chabang (Thái Lan),…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư 10 Trung tâm Logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường với tổng diện tích hơn 790 ha. Phát triển các ngành dịch vụ logistics, nhất là dịch vụ phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, dịch vụ hải quan, giao nhận....

Mekong ASEAN: Là một trong những tỉnh đi đầu trong xuất nhập khẩu của cả nước, xin ông chia sẽ quan điểm về vai trò của báo chí trong việc lan toả thông tin kết nối giao thương?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Báo chí có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, báo chí là một kênh cung cấp thông tin về chính sách, về thị trường trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thị trường, nhu cầu tiêu dùng, và cơ hội kinh doanh.

Báo chí cũng có vai trò phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp về các chính sách kinh tế, thương mại chưa phù hợp từ đó, giúp cơ quan quản lý ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Báo chí về kinh tế còn là kênh phản biện các chính sách kinh tế của Nhà nước, của địa phương; chỉ có phản biện trên báo chí là cách phản biện xã hội rộng rãi nhất, qua đó, góp phần thúc đẩy sự điều chỉnh và hoàn thiện chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp