Mỹ cấm bán phần mềm diệt virus Kaspersky

Thương Mại MỸ
12:30 - 21/06/2024
Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm bán phần mềm diệt virus của Kaspersky tại Mỹ do cáo buộc công ty có quan hệ với chính phủ Nga. Ảnh: Getty Images
Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm bán phần mềm diệt virus của Kaspersky tại Mỹ do cáo buộc công ty có quan hệ với chính phủ Nga. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch cấm bán phần mềm diệt virus Kaspersky Lab của Nga tại quốc gia này bắt đầu từ 29/9 tới để giúp các doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm lựa chọn thay thế. 

Trong một tuyên bố với báo chí ngày 20/6, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cáo buộc ảnh hưởng của Moscow đối với Kaspersky được cho là có rủi ro đáng kể.

Bà cho biết nguyên nhân tới từ việc tệp khách hàng của công ty tại Mỹ rất rộng, trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng hay chính quyền tiểu bang và địa phương. Một nguồn tin ẩn danh bổ sung rằng quyền truy cập đặc quyền của phần mềm vào hệ thống máy tính còn gây ra lo ngại đánh cắp thông tin nhạy cảm từ máy tính Mỹ hoặc cài đặt phần mềm độc hại và giữ lại các cập nhật quan trọng, làm trầm trọng mối đe dọa hơn nữa.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết Kaspersky sẽ được thêm vào danh sách hạn chế thương mại của Mỹ, từ đó giáng một đòn mạnh vào danh tiếng và có thể ảnh hưởng tới doanh số bán hàng quốc tế của công ty này. Một khi bị thêm vào danh sách, việc bán phần mềm Kaspersky trong nước Mỹ sẽ gặp các hạn chế mới, trong đó bao gồm việc cấm tải xuống các bản cập nhật phần mềm, bán lại và cấp phép sản phẩm.

Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ thêm 2 chi nhánh Kaspersky của Nga và một chi nhánh có trụ sở tại Anh vào danh sách vì bị cáo buộc hợp tác với tình báo quân đội Nga để hỗ trợ các mục tiêu tình báo mạng của Moscow.

Nguồn tin của Reuters cho biết việc các sản phẩm phần mềm có dán nhãn trắng – tức các sản phẩm tích hợp Kaspersky vào một phần mềm được bán dưới một thương hiệu khác – cũng sẽ bị cấm. Người bán và người bán lại vi phạm các hạn chế sẽ phải đối mặt với án phạt từ Bộ Thương mại. Nếu có người cố tình vi phạm lệnh cấm, Bộ Tư pháp có thể khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, người dùng phần mềm sẽ không phải đối mặt với các hình phạt pháp lý nhưng sẽ được khuyến khích ngừng sử dụng phần mềm đó.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đầy đủ từ ngày 29/9 theo một tuyên bố từ Cục Công nghiệp và An ninh, một cơ quan của Bộ Thương mại để các doanh nghiệp có thời gian tìm giải pháp thay thế. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh mới tại Mỹ của Kaspersky sẽ bị chặn 30 ngày sau khi các hạn chế được công bố vào ngày 20/6. Trước đó, các hoạt động kinh doanh tại Nga của Kaspersky đã phải chịu các hạn chế xuất khẩu sâu rộng của Washington do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Động thái nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp, trong đó bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner, chỉ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Phát biểu ngày 20/6, ông cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ trao cho một quốc gia đối địch chìa khóa truy cập mạng hoặc thiết bị của chúng tôi, vì vậy thật điên rồ khi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cho phép phần mềm của Nga có quyền truy cập thiết bị có thể được bán cho người Mỹ.

Trong một tuyên bố sau đó, Kaspersky phủ nhận các cáo buộc và cho biết họ “tin rằng Bộ Thương mại đã đưa ra quyết định dựa trên môi trường địa chính trị hiện tại và những lo ngại về mặt lý thuyết, thay vì dựa trên đánh giá toàn diện về tính toàn vẹn của các sản phẩm và dịch vụ của Kaspersky".

Kaspersky từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý tại Mỹ. Năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cấm sản phẩm chống virus của công ty khỏi các mạng liên bang do cáo buộc có mối quan hệ với tình báo Nga.

Đọc tiếp