Mặt trái trong ảnh hưởng của tuần làm việc 4 ngày

Làm việc THẾ GIỚI
22:17 - 27/06/2024
Tuần làm việc 4 ngày mang lại cả lợi ích và mặt tiêu cực. Ảnh: NY Post
Tuần làm việc 4 ngày mang lại cả lợi ích và mặt tiêu cực. Ảnh: NY Post
0:00 / 0:00
0:00
Là một ý tưởng ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng, từ bỏ tuần làm việc 5 ngày thông thường và áp dụng tuần làm việc 4 ngày mang lại cả lợi ích và những mặt tiêu cực cho người sử dụng lao động và người lao động.

Nếu nhìn vào lịch sử, thế giới đã từng thực hiện chế độ làm việc 7 ngày vào những 1800, tiếp theo là tuần làm việc 5 ngày do Henry Ford tiên phong vào những năm 1920. Sau đó, Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng tại Mỹ được thông qua, trong đó quy định thời gian làm việc tối đa là 44 giờ mỗi tuần vào năm 1938. Kể từ đó, đã có rất nhiều thử nghiệm được thực hiện và một tuần làm việc 40 giờ, tương đương với 8 giờ/ngày trở nên phổ biến.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng công việc kết hợp, trong đó người lao động được phép sử dụng thời gian linh hoạt hơn nữa và làm việc tại nhà. Câu chuyện về tuần làm việc 4 ngày ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và vì vậy cũng bắt đầu được thử nghiệm trên quy mô lớn tại một số quốc gia.

Các lợi ích phổ biến của tuần làm việc 4 ngày

Valencia, thành phố lớn thứ 3 của Tây Ban Nha, đã thử nghiệm một chương trình thí điểm một tuần bốn ngày bằng cách lên lịch các ngày nghỉ lễ ở địa phương vào bốn ngày thứ 2 liên tiếp trong suốt tháng 4 và tháng 5/2023. Tuần làm việc tạm thời mới đã ảnh hưởng đến khoảng 360.000 người lao động.

Theo một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia khoa học và sức khỏe được giao nhiệm vụ đánh giá tác động của chương trình, kết quả cho thấy những người tham gia chương trình có tình trạng sức khỏe tốt hơn, giảm mức độ căng thẳng, ít mệt mỏi hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn cũng như hài lòng về bản thân hơn. Việc cắt giảm đi lại tới chỗ làm và về nhà cũng dẫn đến giảm lượng khí thải và chất lượng không khí được cải thiện.

Vào năm 2022, 61 công ty tại Anh đã tham gia vào một chương trình thí điểm tuần 4 ngày làm việc do tổ chức nghiên cứu Autonomy thực hiện cùng với 4-Day Week Campaign và 4-Day Week Global. Thay vì 40 giờ làm việc tiêu chuẩn 1 tuần, các công ty tham gia đồng ý hoàn thành 100% khối lượng công việc thông thường trong 80% thời gian làm việc, rút ngắn tuần làm việc xuống còn 32 giờ mà không bị giảm lương.

Một năm sau đó, các công ty này tiếp tục được mời tham gia vào một nghiên cứu tiếp nối về sự hiệu quả của chế độ làm việc mới. Theo kết quả được công bố vào tháng 2/2024, 51% trong số 28 công ty đồng ý tham gia nghiên cứu tiếp nối đã quyết định thực hiện vĩnh viễn chế độ tuần làm việc 4 ngày trong khi 89% đã quyết định tiếp tục chế độ này trong suốt cả năm.

Về phía các nhà quản lý và CEO của các công ty, 100% báo cáo rằng tuần làm việc 4 ngày có tác động "tích cực" hoặc "rất tích cực" đối với tổ chức của họ. Nhìn chung, 82% công ty được khảo sát báo cáo tác động tích cực đến phúc lợi của nhân viên, 50% báo cáo tác động tích cực trong việc giảm tỷ lệ luân chuyển nhân viên và 32% cho biết chính sách này đã cải thiện đáng kể khả năng tuyển dụng của họ.

Một cuộc khảo sát tiếp nối riêng biệt với nhân viên từ 47/61 công ty tham gia thử nghiệm ban đầu cũng cho thấy kết quả cải thiện về sức khỏe thể chất và tinh thần, cân bằng giữa cuộc sống, công việc và sự hài lòng trong cuộc sống nói chung, cũng như giảm tình trạng kiệt sức. Cuộc khảo sát còn cho thấy cường độ làm việc thấp hơn và mức độ hài lòng trong công việc cao hơn so với trước khi chương trình thí điểm năm 2022 bắt đầu.

Đặc biệt, chế độ tuần làm việc 4 ngày còn có khả năng ảnh hưởng tích cực tới môi trường. Một nghiên cứu riêng biệt của Đại học Massachusetts Amherst năm 2022 cho thấy việc giảm 10% số giờ làm việc sẽ cắt giảm 8,6% lượng khí thải carbon của một cá nhân.

Chế độ này có thực sự hiệu quả hay không?

Ngoài những lợi ích được nêu bật lên, tuần làm việc 4 ngày cũng có những mặt tiêu cực riêng, trong đó lợi thế của nó lại chính là thách thức.

Với ít giờ làm việc hơn trong tuần, người lao động có thể bị hạn chế về mặt thời gian để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ cần thiết. Nhân viên vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ làm việc tiêu chuẩn kéo dài 8 giờ trong lịch trình 4 ngày cô đọng, nghĩa là họ phải chia 40 giờ làm việc thành 32 giờ. Khung thời gian này có thể tạo thêm căng thẳng và áp lực, từ đó dẫn tới khả năng kiệt sức và gia tăng mức độ căng thẳng.

Các ngành nghề khác nhau có những yêu cầu công việc riêng biệt, do đó tuần làm việc 4 ngày có thể không phù hợp với mọi lĩnh vực hoặc nghề nghiệp. Ví dụ, các ngành như sản xuất hay y tế sẽ phải thực hiện những thay đổi đáng kể nếu muốn áp dụng chế độ làm việc này.

Ngoài ra, một tuần làm việc 4 ngày còn có thể tác động tiêu cực đến sự hài lòng của khách hàng. Một nghiên cứu được thực hiện ở Utah, Mỹ cho thấy khách hàng bày tỏ sự không hài lòng do các văn phòng chính phủ đóng cửa vào thứ Sáu và vì vậy hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của họ.

Với sự phát triển của công nghệ, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng chatbot được hỗ trợ bởi AI để duy trì liên lạc với khách hàng. Tuy nhiên, một số dịch vụ nhất định có thể sẽ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc của con người để giải quyết các mối quan ngại của khách hàng hoặc người dùng. Vì vậy, thực hiện tuần làm việc 4 ngày có thể không phải là giải pháp lý tưởng trong những trường hợp này.

Ngoài ra, việc dồn cùng một khối lượng công việc vào một tuần làm việc kéo dài 4 ngày có thể là một thách thức đối với việc xử lý các dự án phức tạp và phối hợp giữa nhiều nhóm với nhau.

Tin liên quan

Đọc tiếp