Hungary cảnh báo ý tưởng cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

chiến sự Nga - Ukraine
13:00 - 31/05/2024
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: MTI
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: MTI
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga là một “ý tưởng điên rồ”, đồng thời cảnh báo động thái của các nước NATO sẽ tạo ra tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Theo tờ DW của Đức, trong video phát biểu do người phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đăng tải trên mạng xã hội X ngày 30/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố:

“Tôi nghĩ rằng việc để Ukraine phóng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga là một ý tưởng điên rồ. Tôi nghĩ là như vậy, vì chúng ta thấy rằng Nga sẽ đáp trả. Nga không thiếu các loại vũ khí và trang bị quân sự. Họ sẽ đáp trả nhiều lần. Và kết quả sẽ là gì? Con số thương vong nhiều hơn. Sẽ có thêm nhiều người chết”.

Ông Szijjarto cảnh báo: “Các chuyến hàng vũ khí làm tăng số lượng vũ khí ở cả hai bên tiền tuyến và gây ra nhiều thương vong hơn. Nếu ý tưởng điên rồ này được chấp nhận thì số người chết sẽ tăng trở lại vì sự trả đũa của Nga”.

Bình luận của nhà ngoại giao Hungary được đưa ra trước thềm cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO – sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 31/5. Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh rằng cuộc họp ngày 31/5 sẽ “được bao quanh bởi bầu không khí ủng hộ chiến tranh hơn bao giờ hết” và bầu không khí như vậy sẽ tạo điều kiện cho “nhiều ý tưởng điên rồ hơn được ủng hộ”.

Trong những tuần gần đây, vấn đề cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa đã trở thành chủ đề nóng tại nội bộ các nước phương Tây. Đầu tháng 5, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố rằng Kiev có mọi quyền sử dụng vũ khí của London để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Telegraph

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Telegraph

Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Economist rằng các thành viên của khối - những nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, nên xem xét việc cho phép Kiev sử dụng những vũ khí này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ông Stoltenberg đã lặp lại quan điểm này trong phát biểu vào ngày 30/5 rằng: “Tôi tin rằng đã đến lúc xem xét một số hạn chế để giúp Ukraine thực sự tự vệ”. Theo người đứng đầu NATO, quyền tự vệ này bao gồm “tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài Ukraine”.

Cũng trong ngày 30/5, các hãng thông tấn như Reuters, CNN dẫn các nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden được cho là đã âm thầm cho phép Ukraine thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuter lưu ý rằng, quyết định của Tổng thống Biden chỉ áp dụng đối với các mục tiêu bên trong nước Nga gần biên giới với khu vực Kharkov. Mỹ vẫn “không thay đổi” chính sách cấm quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS - có tầm bắn lên tới 300 km và các loại vũ khí tầm xa khác do nước này cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Một số quốc gia châu Âu gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Pháp đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine. Tuy nhiên, một số bên khác lo ngại khả năng phương Tây và Nga có thể đối đầu trực tiếp.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/5 cho biết: “Động thái này sẽ gây tổn hại rất lớn đến lợi ích của những quốc gia đã chọn con đường leo thang căng thẳng”.

Tin liên quan

Đọc tiếp