Trợ lực cho doanh nghiệp: Quan trọng là khơi thông nguồn vốn

CHÍNH SÁCH DOANH NGHIỆP
08:04 - 14/06/2024
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất thời gian quan đã giảm mạnh nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn, do không đáp ứng được điều kiện cho vay.

Sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế, vì vậy việc hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp chính là một trong các vấn đề được đại biểu Quốc hội rất quan tâm, nêu ý kiến, đề xuất tại Kỳ họp thứ 7.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Ninh cho biết, tại kỳ họp Quốc hội trước, ông đã đề xuất kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), vì thời gian giảm quá ngắn các doanh nghiệp chưa đủ thời gian để phục hồi. Vì vậy, ông rất đồng tình khi Chính phủ trình Quốc hội về tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024.

Chủ tịch Dabaco cũng đề xuất việc kéo dài giảm thuế VAT có thể lâu hơn, sang năm 2025. “Bởi doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm yếu. Mấy năm gần đây do khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước khiến cầu tiêu thụ giảm, hàng hoá sản xuất không bán được, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui còn cao hơn doanh nghiệp thành lập mới,” ông nêu lý do.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Như So cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó rất quan trọng là khơi thông dòng vốn. “Mặc dù lãi suất giảm tốt nhưng điều kiện để tiếp cận vốn khắt khe nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được,” ông nói.

Điều quan trọng khác theo vị đại biểu Quốc hội là phải có giải pháp tổng thể phát triển kinh tế tư nhân, vì đây là khu vực đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm, sáng kiến sản xuất...

CẦN HỢP LỰC TỪ HAI PHÍA

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT CTCP Halcom Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đoàn Bình Dương cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang có nhưng chưa nhiều cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đây là những đối tượng rất cần vốn để đầu tư nhưng đang rất khó tìm kiếm, vay vốn. Đặc biệt, các ngành nghề mới rất khó qua được khâu thẩm định của ngân hàng,” ông Huân nói.

Theo ông Huân, ở một số nước thường có đội ngũ tư vấn rất chuyên nghiệp, giúp ngân hàng giải ngân vốn cho vay dễ dàng hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, công tác thẩm định chưa tốt nên ngân hàng luôn sợ rơi vào tình trạng nợ xấu. Ông đề xuất Chính phủ xem xét việc bảo lãnh giúp doanh nghiệp vay vốn, qua thẩm định một cách độc lập các dự án.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) cũng đề xuất tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn trong điều kiện khó khăn hiện nay. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều mặt từ cơ quan quản lý Nhà nước như hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh công bằng; hỗ trợ về công cụ, phí, lãi suất hoặc các gói chính sách về vốn..

Mặt khác, đại biểu cho rằng muốn phát triển bền vững doanh nghiệp phải có hợp lực từ hai phía. Phía doanh nghiệp cần phải chủ động xoay xở, phát huy thế mạnh của mình nhằm vượt khó và phát triển bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình mới, ví dụ như chuyển đổi xanh, chuyển đối số vì đây là những xu thế tất yếu trên thế giới. Hay việc tăng vốn cổ phần hơn vốn vay, đồng thời có chính sách phù hợp để giữ chân nhân sự giỏi.

ĐÁP ỨNG KỊP THỜI NHU CẦU CỦA DOANH NGHIỆP

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ. Thị trường cho nhóm này chủ yếu tập trung ở trong nước nhưng hiện nay mức tiêu dùng nội địa vẫn thấp. Vì thế, một trong những khó khăn của họ chính là việc thị trường bị thu hẹp.

Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa trải qua thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 khiến khả năng phục hồi đã khó lại càng khó khăn hơn. Đây là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

GS.TS Hoàng Văn Cường trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

GS.TS Hoàng Văn Cường trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

Để hỗ trợ doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng các chính sách đã áp dụng trước đây cần tiếp tục được mở rộng. Ví dụ như giãn, giảm các khoản thuế, phí nhằm giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp để kích cầu giúp thị trường tiêu dùng nội địa tăng lên.

“Các chính sách hỗ trợ mặc dù đã có nhưng thủ tục còn rườm rà, chồng chéo. Do đó, cần khẩn trương cải thiện về mặt hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, chi phí không chính thức của doanh nghiệp,” ông nêu ý kiến.

Theo vị đại biểu, thêm một khó khăn nữa mà doanh nghiệp đang phải đối diện xuất phát từ khâu quản lý công. Đó là những cơ quan thực thi công vụ đang trong tình trạng e ngại, không mạnh dạn để giải quyết những yêu cầu phát sinh, không đáp ứng kịp thời nhu cầu để doanh nghiệp phát triển.

Do vậy, ông Cường cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về chính sách, tài chính... cần chú trọng giải quyết những nút thắt để cơ quan thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm và không sợ sai.

Tại phiên họp sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ nay đến hết năm 2024.

Theo dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình tại phiên họp, phạm vi áp dụng là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp