Bộ trưởng Công Thương nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu

CHẤT VẤN QUỐC HỘI
17:11 - 04/06/2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Thừa nhận thực trạng các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 4/6, Quốc hội chất vấn đối Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị cho biết giải pháp nào để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước trong khi hiện nay tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình nhận định của đại biểu. Các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trên 73% do các doanh nghiệp này có lợi thế về vốn, công nghệ... nhiều năm nay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam nguồn lực thì hạn chế, mới đang từng bước thâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị vượt trội hơn so với các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp FDI xuất khẩu cũng phù hợp với chủ trương hội nhập kinh tế Việt Nam giai đoạn đầu vì chỉ có thu hút đầu tư FDI mới có điều kiện để hội nhập, học tập về kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ cũng như tiếp cận thị trường.

"Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các hiệp định thương mại tự do hay là đo đếm bằng các dự án nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kể cả đo đếm bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm.

Thước đo ở đây phải là đo bằng sức khỏe của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là mục tiêu lớn," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Mặt khác, ông cho rằng cũng phải thừa nhận doanh nghiệp nội của Việt Nam cũng đã vươn lên hội nhập tốt nhờ sự tiếp cận và liên kết các doanh nghiệp này. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, khai thác lợi thế đang có là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do, hưởng cơ chế ưu đãi của các hiệp định mang lại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp tăng nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp lớn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong nước nhất là công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương cũng sẽ đa dạng hóa hỗ trợ khai thác các hiệp định thương mại, hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử. Hỗ trợ thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp ứng phó với những vụ việc phòng vệ nước ngoài một cách hiệu quả.

Một giải pháp khác được trưởng ngành công thương đề cập là xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong thời gian qua việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ ngành, địa phương tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ.

Thứ nhất là thương hiệu ngành quy mô cấp toàn quốc trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Thứ hai là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, quy mô cấp địa phương và thứ ba là thương hiệu sản phẩm quy mô cấp doanh nghiệp trong chương trình quốc gia Việt Nam.

"Bộ cũng đang phối hợp triển khai kế hoạch với 3 bộ. Các hoạt động hỗ trợ nêu trên đã góp phần đưa Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu trong việc sản xuất, kinh doanh và đầu tư," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về logistics

Cũng chung mối quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt câu hỏi, hoạt động xuất khẩu ấn tượng tuy nhiên khi tham dự các Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp Việt đối mặt với nhiều trở ngại như: rào cản thương mại, biến động biển đỏ, logistics phụ thuộc vận tải nước ngoài, giá cả tăng cao. Đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, xuất khẩu bền vững?

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết logistics có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ban ngành để phát triển logistics, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đã đạt được hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, hiện nay logistics còn một số hạn chế như: nhận thức chồng chéo, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay đội ngũ nhân lực...

Nêu giải pháp, Bộ trưởng khẳng định, sẽ phối hợp với hiệp hội, phát triển chỉ số logistics, có khuyến cáo về xuất nhập khẩu hàng ngày, đẩy mạnh xúc tiến thị trường...

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để hiệp hội doanh nghiệp hiểu đúng hiểu rõ hơn, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, tạo nguồn hàng chất lượng cao, đa dạng hóa xúc tiến thương mại.

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ thông tin, có cảnh báo trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đọc tiếp