PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Ngày nào tôi cũng bị hỏi có phải anh bán thuốc này không'

Y Tế QUỐC HỘI
08:03 - 19/06/2024
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Trước thực trạng sử dụng hình ảnh bác sĩ để bán thuốc gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội.

Phát biểu góp ý tại tổ chiều 18/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Đoàn Bình Định) bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi Luật, khi thực tế thời gian qua có rất nhiều vấn đề phát sinh về mua bán, sử dụng thuốc trong các bệnh viện cũng như bên ngoài. Ông nêu rõ những vấn đề bản thân cảm thấy bất cập và đề xuất giải pháp.

Trong đó, vấn đề được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại đến sức khoẻ người dân, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc. “Rất nhiều bộ quản lý nhưng thực tế, bản thân tôi là bác sĩ không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh dùng không,” ông Hiếu nói.

Trước thực trạng sử dụng hình ảnh bác sĩ để bán thuốc trên mạng gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng, vị đại biểu đề nghị trong Luật quy định trách nhiệm của Bộ Y tế. Theo ông, cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra, công khai cho người dân biết trên các trang mạng, ứng dụng của Bộ Y tế.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại tổ chiều 18/6.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại tổ chiều 18/6.

Liên quan đến việc mua thuốc theo đơn online, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, vừa qua Uỷ ban Xã hội không ủng hộ việc này và chỉ đồng ý cho mua tại nhà thực phẩm chức năng. Tuy nhiên theo ông Hiếu, thực tế rất nhiều nhà thuốc đang bán online, chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là chuyển đến tận nhà.

“Do đó tôi nghĩ nếu cấm cơ học thì không có giải pháp hiệu quả. Vì vậy tôi đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ ràng, bắt đầu từ chính các nhà thuốc và chính các bệnh viện. Những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân,” PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.

Một vấn đề khác cũng được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu là việc thuốc hiếm không được dùng, đăng ký lưu hành tại Việt Nam. “Thuốc rất tốt nhưng có tỷ lệ dùng rất ít trong nước, trong lúc chờ nhập lưu hành mất công thì người dân phải nhờ người 'xách tay' từ nước ngoài. Chúng ta phải có quy định về sản phẩm này, và tôi đề nghị cần đưa vào Luật Dược định nghĩa thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung để các bệnh viện có nhu cầu thì nhập,” ông Hiếu đề xuất.

BÁN THUỐC QUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CẦN KIỂM SOÁT CHẶT

Góp ý về quy định đối với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42 dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang (Đoàn Tiền Giang) cho biết, quy định này cho thấy các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở, sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến).

Đại biểu cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc, bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…

Dự thảo quy định các sơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh. Đại biểu bày tỏ băn khoăn nếu đó là một nhà thuốc trong chuỗi dùng chung một website thì người dân xác định nơi bán như thế nào?

Về nguyên tắc, các công ty bán buôn không được phép bán lẻ đến người dân, vì vậy ông Dương cho rằng vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu cũng nêu rõ, hàng giả bán trên mạng đang là một vấn đề được phản ánh nhiều hiện nay. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn. Bởi vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.

“Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, do vậy thương mại điện tử thì cơ sở tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn”, đại biểu nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp