ĐBQH tranh luận về đề xuất đầu tư trung tâm văn hoá ở nước ngoài

Văn hoá QUỐC HỘI
15:49 - 19/06/2024
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) phát biểu tại hội trường sáng 19/6.
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) phát biểu tại hội trường sáng 19/6.
0:00 / 0:00
0:00
Với đề xuất đầu tư trung tâm văn hoá ở nước ngoài, có đại biểu lo ngại việc duy trì và phát triển hiệu quả, có đại biểu lại băn khoăn có thực sự cần thiết trong giai đoạn này khi nhiều công trình trong nước đang cần được xây dựng hoàn thiện.

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Một trong các nội dung của chương trình đặt ra là xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia... Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng không mới và rất khó khả thi. Theo ông, đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ, nhưng mối lo hơn là duy trì và phát triển hiệu quả. Vị đại biểu lo ngại thiếu người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này, trong khi vấn đề nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.

“Nếu cứ theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay,” đại biểu Hiếu lo ngại.

Ông góp ý có thể hỗ trợ cho các hội đoàn người Việt, các nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ tại các nước. Họ tự trang trải kinh phí bằng chính các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cafe, siêu thị hàng Việt Nam. Đồng thời tập trung vào những chương trình cụ thể như dạy tiếng Việt ở những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống, hay hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có khả năng triển khai dạy tiếng Việt.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng một giải pháp khác để phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm ra thế giới là thông qua các sản phẩm nghệ thuật như các triển lãm tranh, các chương trình văn nghệ, các bộ phim... Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL cần có kế hoạch tổng thể, tránh lãng phí nhưng cũng hạn chế sự xin - cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định).

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho rằng việc đầu tư các trung tâm văn hoá ở nước ngoài là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ việc đầu tư này thực hiện ở giai đoạn 2025-2035 là cần thiết chưa.

Lý do theo đại biểu Lê Thị Song An là trong nước hiện vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng hoàn thiện. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa này chỉ nên được thực hiện nếu thực sự đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đem lại lợi ích về quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Theo bà Song An, với sự phát triển công nghệ số như hiện nay thì việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các nền tảng số sẽ mang lại hiệu quả hơn. "Hiện nay khi quan tâm một số vấn đề như văn hóa, ẩm thực, du lịch, đa phần mọi người đều lên không gian mạng để tiềm kiếm thông tin trước," bà dẫn chứng.

Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở nội tại, đồng thời có lộ trình đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài phù hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Nói về vấn đề này tại phần tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đối tượng hưởng thụ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có cả người dân trong và kiều bào ở nước ngoài.

Theo ông Hùng, Quốc hội các khóa trước đã cho phép xây dựng Trung tâm Văn hóa ở Pháp có vốn đầu tư 252 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa ở Lào 190 tỷ đồng, và hiện nay hoạt động rất tốt. Đó là nơi dạy tiếng Việt, là ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi để thể hiện văn hóa.

Bộ trưởng VH-TT&DL khẳng định: “Chúng tôi không phải đề xuất xây dựng tất cả mà chỉ có cộng đồng nào đông người Việt Nam nhất, theo thứ tự và sau này Chính phủ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể. Hiện nay, các trung tâm này hoạt động rất tốt, biên chế chỉ có 3 người và có nghệ sĩ luân phiên nhau để đi sang hoạt động, còn chủ yếu dựa vào hiệp đoàn, liên đoàn, hiệp hội và đồng bào ở đó, đội ngũ văn nghệ sĩ ở đó, rất gọn”.

Tin liên quan

Đọc tiếp