Mỗi bộ ngành, địa phương phải có một đề án chuyển đổi số

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
16:52 - 24/04/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban về kinh tế số. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban về kinh tế số. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra sáng 24/4 với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển

Tại cuộc họp, báo cáo về tình hình thực hiện chuyển đổi số trên cả nước, các bộ ngành đã thống nhất đánh giá về những mặt tích cực đã đạt được trong công tác chuyển đổi số quốc gia.

Về chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 2 chỉ thị về chuyển đổi số. Các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thúc đẩy chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Về hạ tầng số, 100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước. Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện).

Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023-2024 (như của Viettel, VNPT, CMC…); Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai, VNPT và Viettel được cấp phép kinh doanh dịch vụ 5G.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt gần 54 triệu tài khoản, tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.

Bên cạnh đó, 311 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã đi vào hoạt động (lũy kế đến nay có 2.398 tổng số cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang hoạt động).

Đại diện một số bộ ngành, doanh nghiệp tham dự cuộc họp. Ảnh: VGP.

Đại diện một số bộ ngành, doanh nghiệp tham dự cuộc họp. Ảnh: VGP.

Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng, 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 đã được triển khai, tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023.

Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng, theo đánh giá tại cuộc họp.

Với những hạ tầng dùng chung trên, kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý 1/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%.

Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng ví điện tử, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên một triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người'

Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh "Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người' do vậy, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, ưu tiên các nguồn lực cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.

"Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có một đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06", Thủ tướng yêu cầu và giao Bộ Công an phổ biến kinh nghiệm.

Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để chỉ số về phát triển chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06.

Bộ TT&TT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số; trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước

Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường chỉ tiêu thống kê về tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.

Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dữ liệu, trình Chính phủ xem xét, thông qua; tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID; thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế trước khi nhân rộng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); tập trung số hóa trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.

Bộ Tư pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của từng bộ, ngành.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị.

Lập phương án phân bổ, báo cáo Chính phủ quyết định đối với các khoản chi của ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ để thực hiện mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng CNTT trước 30/5/2024.

Thứ ba, các bộ, ngành tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Thủ tướng giao trong quý 2/2024, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách tổ chức phiên họp chuyên đề về số hóa ngành nông nghiệp, ngành công thương.

Thứ tư, các địa phương cùng doanh nghiệp xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại và 20 dịch vụ công ưu tiên, kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia. Bảy địa phương trình HĐND ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong tháng 5/2024.

Thứ sáu, các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đọc tiếp