Khẩu vị nhà đầu tư khi 'rót tiền' vào startup

Khẩu vị nhà đầu tư khi 'rót tiền' vào startup

Startup Việt nAM
06:13 - 27/06/2024
Chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, điều nhà đầu tư quan tâm nhất là liệu mô hình, giải pháp của startup có làm ra tiền không.

Mekong ASEAN: Từ góc độ một quỹ đầu tư, bà nhìn nhận như thế nào về bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu và nguồn vốn đầu tư rót vào startup Việt Nam trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Phi Vân: Sau Covid-19 và trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp dường như chậm lại đáng kể về mức độ sôi nổi trên bề mặt. Nếu trước đây các sự kiện xúc tiến khởi nghiệp lớn diễn ra liên tục ở tầm quốc gia, khu vực và kết nối quốc tế thì trong khoảng 3 năm trở lại đây, các hoạt động này giảm nhiều về số lượng.

Sự suy giảm này đến từ bức tranh ảm đạm của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu. Đặc biệt, lạm phát tăng cao, liên tục phá vỡ các kỷ lục trong quá khứ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc phải có những đợt điều chỉnh lãi suất.

Cùng với đó, "dòng tiền rẻ" (dòng tiền mà trước đây có thể dễ dàng huy động cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu) đang dần bị hạn chế. Trước đây, các nhà đầu tư có xu hướng "rải" tiền vốn, tức là có thể đầu tư rất nhiều và đôi khi không quá cẩn trọng về việc startup đó sẽ như thế nào trong tương lai.

Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn này, ai cũng cần "thắt lưng buộc bụng" nên các nhà đầu tư có sự đánh giá khắt khe hơn. Điều đó khiến nguồn tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào startup chịu số phận bị thắt chặt. Bởi lẽ startup luôn gắn liền với kinh tế vĩ mô, nên khi kinh tế toàn cầu đang suy thoái thì nguồn vốn theo đầu tư theo đó cũng sẽ phải sụt giảm.

Tuy số lượng startup giảm, số lượng hoạt động xúc tiến giảm, nhưng về chất lượng trong bức tranh khởi nghiệp, tôi đánh giá là ngày càng tốt với sản phẩm và giải pháp thực tế hơn và những nhà đầu tư có cam kết với thị trường đầu tư khởi nghiệp vẫn đang tiếp tục đầu tư.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2014-2023, hơn 4,6 tỷ USD đổ vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam thông qua 835 thương vụ. Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước đó, theo báo cáo Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn vững vàng trước nhiều thách thức trên thị trường vốn.

Vốn đầu tư sụt giảm không hẳn là điều tiêu cực bởi nó chỉ đơn giản phản ánh sự lên xuống trong mức độ quan tâm của thị trường đầu tư. Điều này tỷ lệ thuận trong suy thoái.

Bối cảnh khó khăn đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới, bài toán mới cho các startup tìm lời giải. Trong đó, dòng chảy của tiền được xem là thách thức lớn nhất. Khi ví tiền nhỏ lại, nhà đầu tư sẽ chặt chẽ hơn trong việc lựa chọn ngành đầu tư có triển vọng.

Giấc mơ muôn đời sẽ vẫn là giấc mơ mà bạn cần bán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, giấc mơ trong bối cảnh suy thoái sẽ cần kế hoạch hiện thực hoá rõ ràng hơn, thực chất hơn, nhanh chóng hơn với nguồn lực hiện có chứ không phải là "bầu trời xanh" không giới hạn nữa. Cơ hội vẫn rất lớn. Nhà đầu tư vẫn ở đó.

Mekong ASEAN:Thời gian qua, thị trường vẫn có những dự án khởi nghiệp được rót vốn nhưng ít những thương vụ có giá trị lớn. Liệu "khẩu vị" của các nhà đầu tư đã thay đổi, thưa bà?

Bà Nguyễn Phi Vân: Có 3 yếu tố khiến cho thị trường đầu tư khởi nghiệp sắp xếp lại. Một là, đứng từ góc độ nhà đầu tư, việc quản trị rủi ro trong bức tranh kinh tế hiện nay là hiển nhiên. Các dự án có khả năng thương mại hoá cao sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong khi các ý tưởng có độ dài nghiên cứu và phát triển tính bằng nhiều năm mới có thể thương mại hoá sẽ tạm thời bị xếp lại.

Startup sẽ cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược "đốt tiền" để có được khách hàng bằng mọi giá và tập trung vào các chỉ số "phù phiếm" để được các nhà đầu tư định giá cao sau mỗi vòng gọi vốn như thời dòng tiền rẻ trước đây.

Chính vì thế, những ngành hay giải pháp thực tế giúp giải quyết các vấn đề "mới" cho người tiêu dùng, khách hàng đầu cuối sau đại dịch Covid-19 hoặc trong suy thoái kinh tế sẽ luôn được quan tâm ở mức độ cao hơn. Dự án khởi nghiệp nào linh hoạt nắm bắt xu hướng mới này, chuyển đổi nhanh hơn trong cách thiết kế sản phẩm, tính năng hay cách tiếp cận thị trường nhằm có thể giữ cho mình tồn tại trước, khai thác được thị trường hiện tại và chuẩn bị cho thị trường tương lai thì sẽ luôn thoả mãn được yêu cầu của nhà đầu tư. Đó chính là yếu tố thứ hai - khả năng linh hoạt và thích ứng thị trường, từ góc độ các dự án startup.

Cuối cùng, nhu cầu tiêu dùng, sử dụng ngân sách của họ sau đại dịch Covid-19 và trong suy thoái kinh tế đã thay đổi. Do đó, sản phẩm và giải pháp của startup cần phải được tư duy lại trong hoàn cảnh mới, theo nhu cầu mới với giá thành hoàn toàn mới. Nói khác đi, các startup cần phải "re-startup" khi thị trường và người tiêu dùng thay đổi.

“Khẩu vị" đầu tư dù không muốn vẫn cứ phải thay đổi cho phù hợp với chuyển động mới của thị trường đang bị tác động bởi những yếu tố trên.

Chúng ta đang vận hành trong một cái thời mà tương lai được gọi tên là "bất định". Không ai dám đoán trước "mùa đông" còn kéo dài bao lâu mặc dù có rất nhiều chuyên gia kinh tế từng dự báo về sự hồi phục vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Trên thực tế, nửa đầu năm 2024, chúng ta đã chứng kiến tình hình kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng bởi lạm phát, gia tăng lãi suất kéo theo thắt chặt tín dụng hay những căng thẳng địa chính trị, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mekong ASEAN: Vậy doanh nghiệp cần chú trọng vào những yếu tố nào để biến "thách thức" thành "cơ hội" trong một thị trường đầy biến động, thưa bà?

Bà Nguyễn Phi Vân: Khi thị trường không còn tăng trưởng nóng, các nhà đầu tư sẽ "trú ẩn" tạm thời để chờ đợi, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, chứ không vội vàng giải ngân. Vì vậy, nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor - nhà đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn sớm, khi chưa có nhiều thông tin hoặc khả năng đánh giá rủi ro của dự án) sẽ là lối thoát cho các startup.

Để thuận lợi nhận được số vốn đầu tư này, các startup cần tập trung hơn vào việc làm gì để ra tiền, mô hình kinh doanh là gì, doanh thu đến từ đâu, tầm nhìn phát triển trong 5-10 năm tới ra sao. Nhiều startup quá tập trung vào sản phẩm mà quên mất rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều nhà đầu tư quan tâm nhất là liệu mô hình, giải pháp của bạn có làm ra tiền không.

Việc startup cần làm là hiệu chỉnh cách tư duy, tiếp cận, thương mại hóa nhanh, bền vững để thu hút nhà đầu tư ngay giữa thời khắc của cái gọi là "mùa đông" gọi vốn. Cơ hội vẫn rất nhiều phía trước. Chỉ là cơ hội đó chỉ dành cho những ai thức thời và biết cách chuyển động cùng thế giới.

Mekong ASEAN: Để tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các startup, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Phi Vân: Nhà nước đóng vai trò như một nhạc trưởng, lãnh đạo và dẫn dắt. Một dàn nhạc nếu mạnh ai nấy đánh thì kết quả là một sự hỗn loạn về âm thanh. Khởi nghiệp cũng vậy. Nhà nước cần có một chiến lược chung, thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương để tránh tình trạng mỗi bộ ngành, mỗi tỉnh thành tự lên kế hoạch và thực hiện những hoạt động rời rạc, nhỏ lẻ, gây uổng phí nguồn lực và công sức.

Nhà nước đóng vai trò là người hỗ trợ các thành viên hệ sinh thái bằng công cụ chính sách. Chẳng hạn, nếu hệ sinh thái có nhà đầu tư từ thiên thần đến quỹ mạo hiểm A,B,C, quỹ đầu tư tập đoàn, công ty thì đối với từng đối tượng phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp phù hợp.

Đối với các thành viên khác như vườn ươm, công ty tăng tốc…cần xây dựng và triển khai giáo dục sáng tạo, khởi nghiệp các cấp. Đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho họ hoạt động dễ dàng, hiệu quả và bền vững.

Đối với startup công nghệ trong các ngành nghề quá mới như trí tuệ nhân tạo hay blockchain, cần có cơ chế xây dựng chính sách thử nghiệm kịp thời và hiệu quả, giúp các startup thương mại hóa thành công tại Việt Nam. Các chính sách liên quan đến đầu tư, thoái vốn, M&A (mua bán và sáp nhập), IPO tại thị trường Việt Nam dành cho khởi nghiệp cũng cần có cơ chế đặc thù để giữ chân nhà đầu tư và dự án startup tại Việt Nam.

Muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, Nhà nước nên là người đứng ra, chịu trách nhiệm chính và triển khai xây dựng thương hiệu khởi nghiệp quốc gia để xúc tiến, kết nối Việt Nam với các trung tâm hay hệ sinh thái khởi nghiệp quan trọng của thế giới. Thương hiệu quốc gia khởi nghiệp chỉ có thể là thương hiệu do quốc gia đứng ra xây dựng, xúc tiến và giữ gìn qua năm tháng. Muốn xây dựng thương hiệu thì cần có chiến lược và kế hoạch rõ ràng, thống nhất, phản ánh đúng nội lực quốc gia và giữ được "lời hứa" thương hiệu với cộng đồng đối tượng mục tiêu mà Việt Nam cần thu hút.

Với 3 vai trò trên, tôi nghĩ Việt Nam không dừng lại là thị trường khởi nghiệp được quan tâm mà sẽ trở thành một trong những quốc gia khởi nghiệp tầm cỡ và vững bền trên thế giới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!

Đọc tiếp