Doanh nghiệp bán lẻ lên kế sách 'căng buồm ngược gió'

MWG FPT Retail
06:00 - 30/03/2023
FPT Retail bắt đầu bán các mặt hàng gia dụng trong cửa hàng FPTShop.
FPT Retail bắt đầu bán các mặt hàng gia dụng trong cửa hàng FPTShop.
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát, lãi suất là những “cơn gió ngược” đang tác động tiêu cực đến doanh nghiệp bán lẻ, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu. Trong bối cảnh đó, các công ty có kế sách như thế nào để vượt qua sóng gió?

Ba doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đầu ngành đều đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận thận trọng. Đồng thời, họ đều có chung nhận định rằng lĩnh vực bán lẻ đang trải qua giai đoạn khó khăn do sức cầu tiêu dùng giảm.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) là lạc quan nhất khi đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2023 đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với kết quả thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2%.

MWG cho biết, theo kết quả ghi nhận sơ bộ trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự báo của công ty. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 vẫn tăng trưởng 13% so với 2022, ở mức 34.000 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty lại dự phóng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 51%, ở mức 240 tỷ đồng.

FRT dự báo năm 2023 vẫn sẽ tiếp diễn các yếu tố bất lợi từ quý 4/2022 như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh, chi phí tài chính tăng cao, lạm phát, thị trường mua trả góp suy giảm...

Do đó, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục.

CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) lên kế hoạch “đi lùi” cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, lần lượt ở mức 20.000 tỷ đồng và 400 tỷ đồng; tương ứng giảm 9% và 42% so với thực hiện năm 2022.

Kế hoạch này đã được điều chỉnh giảm so với nghị quyết được công bố hồi giữa tháng 2/2023 là 25.109 tỷ đồng doanh thu và 787 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn 14% và 15% so với 2022.

Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo 2023 là năm nhiều khó khăn, thách thức với ngành hàng bán lẻ công nghệ (ICT). Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, người dân đã đẩy mạnh mua sắm điện thoại, máy tính để làm việc, học tập trực tuyến nên giờ đây vẫn chưa có nhu cầu thay mới. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu, cắt giảm giờ làm, sa thải lao động… khiến thu nhập của người dân sụt giảm.

Chứng khoán SSI nhận định, tình trạng ảm đạm của thị trường bán lẻ sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 6/2023 do những khó khăn liên quan đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lạm phát. Với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong sáu tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm, ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022.

Thực tế, những thách thức trên đã phản ánh vào kết quả kinh doanh kém tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ từ quý 4/2022.

2 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động đạt doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty không công bố lợi nhuận dù trước đó luôn công bố chỉ tiêu này đều đặn hàng tháng.

Tìm kiếm động lực tăng trưởng ở những ngành hàng mới

Trước bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã chủ động chuẩn bị kế sách để đối phó với những “cơn gió ngược”. Để gia tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí tài chính, Thế giới Di động đã chủ động kiểm soát chặt chẽ tồn kho. Đến cuối tháng 2/2023, giá trị hàng tồn kho của công ty giảm hơn 30% so với thời điểm cuối quý 4/2022.

MWG không đặt mục tiêu cụ thể về số lượng mở mới các cửa hàng Thế giới Di động, Điện Máy Xanh; tạm ngừng mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi đã đạt con số 500 cửa hàng để tập trung tăng doanh thu mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí và dần đưa về điểm hòa vốn; thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm không có tiềm năng lớn.

Đáng chú ý, sau gần 6 năm hoạt động, MWG đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý 1/2023.

Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng điểm sáng kinh doanh năm nay sẽ đến từ Bách Hóa Xanh. Theo đó, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng sau khi trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện sẽ đạt được tăng trưởng doanh thu hai chữ số và đạt điểm hòa vốn cuối năm nay.

“Sự chủ động và tập trung giải quyết phần lớn các vấn đề nội tại, cùng với lợi thế tài chính vững vàng sẽ là nền tảng cho MWG sẵn sàng cho sự bứt phá khi hoạt động sản xuất - tiêu dùng hồi phục trở lại”, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG chia sẻ trong báo cáo thường niên năm 2022 của công ty.

Thế giới Di động quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia.

Thế giới Di động quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia.

Với FPT Retail, khi sức mua mảng ICT chưa “hẹn” ngày phục hồi, nhà thuốc Long Châu được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp dự định sẽ mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc trong 2023, nâng tổng số cửa hàng lên 1.400-1.500. Doanh thu từ chuỗi nhà thuốc này tăng gấp 2,4 lần trong năm 2022 và đã có lãi.

Ngoài ra, FRT cho biết sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT Shop hiện hữu. Cho đến nay số lượng cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2023, con số này tăng lên 600 cửa hàng.

Công ty còn dự tính bổ sung hàng loạt ngành mới như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác.

Tìm kiếm cơ hội trong ngành hàng mới cũng là hướng đi của Digiworld. Năm 2022, công ty đã gia nhập 2 ngành hàng mới là ngành hàng thiết bị gia dụng và ngành đồ uống.

Cụ thể, từ quý 1/2022, DGW chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền các thiết bị gia dụng của Whirlpool - thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ, với các sản phẩm ban đầu là tủ lạnh, máy giặt, máy sấy và máy rửa bát.

Tháng 12/2022, Digiworld chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền cho ABInBev – tập đoàn bia lớn ở kênh phân phối hiện đại, bao gồm các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Các sản phẩm bia mà DGW phân phối là Budweiser, Corona, Becks...

Ngoài ra, trong quý 4/2022, DGW còn hoàn thành việc mua lại 60% công ty Achison, thành công lấn sân vào mảng phân phối thiết bị bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp