Việt Nam học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp khí thải thấp của Đan Mạch

NÔNG NGHIỆP Đan Mạch
14:54 - 17/08/2022
Nông nghiệp Đan Mạch sản xuất được lượng thịt gấp 3 lần nhu cầu tiêu thụ.
Nông nghiệp Đan Mạch sản xuất được lượng thịt gấp 3 lần nhu cầu tiêu thụ.
0:00 / 0:00
0:00
Trong dịp đoàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm của Đan Mạch tới Việt Nam, doanh nghiệp 2 nước đã có những trao đổi cơ hội hợp tác và kinh doanh từ ngày 16 - 19/8.

Nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm giữa Việt Nam và Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) đã tổ chức hội thảoKinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững”, ngày 17/8.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm tới Hà Nội và TP HCM, nhằm trao đổi cơ hội hợp tác và kinh doanh với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam, từ ngày 16 - 19/8.

Tiếp tục mở rộng đối tác chiến lược toàn diện

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Đan Mạch và áp dụng chúng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.

Nhắc lại sự kiện Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Nông nghiệp Đan Mạch cùng ký kết Biên bản ghi nhớ thiết lập đối tác chiến lược toàn diện về sản xuất nông nghiệp năm 2018, Thứ trưởng Tiến nhận định quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Đan Mạch cũng đang ngày càng đẩy mạnh với 135 công ty Đan Mạch có văn phòng chính thức tại Việt Nam.

Việt Nam – Đan Mạch cũng đã đẩy mạnh mối quan hợp tác và đang mở rộng đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau về đầu tư, thương mại, năng lượng xanh.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và ông Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và

ông Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch.

“Hiện nay, Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu bền vững, thân thiện với môi trường. Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm đến Việt Nam lần này sẽ giúp hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp, thực phẩm theo hướng xanh và bền vững”.

Thứ Trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Cùng với quan điểm của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch Troels Jakobsen khẳng định, trong nhiều năm qua, các công ty nông nghiệp, thực phẩm của Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới. Các hoạt động này nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.

“Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp 3 lần mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Các công ty và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững", ông Troels Jakobsen bày tỏ.

Kinh nghiệm của Đan Mạch trong hợp tác công – tư sản xuất bền vững

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam rất quan tâm đến hợp tác công - tư trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và mong muốn học hỏi mô hình của Đan Mạch cho các ngành này trong thời gian tới.

Đáp lại mong muốn của Thứ trưởng NN&PTNT đề cập về trao đổi các kinh nghiệm trong hợp tác công - tư, ông Troels Vensild, Giám đốc Cục thú y và Thực phẩm Đan Mạch (Vụ Hợp tác Quốc tế) đã có những chia sẻ tại về vấn đề này.

Theo ông Troels Vensild, Đan Mạch có truyền thống hợp tác lâu đời với các bên liên quan như các trường, viện nghiên cứu. Quan hệ đối tác công tư này đã giúp đưa ra nhiều đổi mới sáng tạo. Với sự tôn trọng các bên tham gia nên Đan Mạch luôn huy động được những đóng góp tối đa của các đối tác.

"Chúng tôi có các cơ quan nghiên cứu khoa học độc lập và ký kết các biên bản hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, xây dựng các chương trình tăng cường truy xuất nguồn gốc về tính minh bạch thông tin và đẩy mạnh cam kết của các bên tham gia trong chuỗi giá trị”.

Ảnh tác giả

“Điểm quan trọng trong hợp tác công - tư là xây dựng niềm tin về mặt chính trị, tổ chức nhà nước, luật pháp, giám sát, thanh kiểm tra và tôn trọng lợi ích các bên liên quan".

Ông Troels Vensild, Giám đốc Cục thú y và Thực phẩm (Vụ Hợp tác Quốc tế Đan Mạch )

Hiệu quả của sản xuất bền vững

Bên cạnh đó, chia sẻ thêm về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững của Đan Mạch, ông Troels Vensild cho biết, Chính phủ Đan Mạch luôn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, xây dựng các nền tảng xuất khẩu bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia tích cực nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ liên minh Châu Âu và các FTA.

Đồng thời, đất nước này cũng đang chuyển đổi trọng tâm sang các thị trường mới, tăng cường đàm phán mở cửa thị trường với các sản phẩm động vật sống.

Khẳng định Đan Mạch là một đất nước tương đối nhỏ nhưng sản xuất nông nghiệp rất mạnh nhờ sản xuất bền vững, ông Troels Vensild lấy dẫn chứng, riêng về chăn nuôi đã sản xuất được lượng thịt gấp 3 lần lượng cả nước cần tiêu thụ. Do đó, Đan Mạch mong muốn hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

“Chuyển đổi xanh được coi là giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thâm nhập các thị trường khó tính. Hiện nay, đất canh tác hữu cơ đang chiếm 30% diện tích đất canh tác của cả Đan Mạch. Đất nước chúng tôi cũng tập trung nhiều công nghệ sạch, xanh bền vững, coi đó là điều kiện quan trọng cho sản xuất”, ông Troels Vensild nhấn mạnh.

Công nghệ sản xuất cũng là nội dung mà các nhà hoạt định chính sách - quản lý ngành và các doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam đang cùng nhau kết nối, trao đổi kinh nghiệm trong cả khuôn khổ Hội thảo, lẫn các hoạt động trong chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch tới Việt Nam.

Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch lần này sang Việt Nam gồm 13 công ty đi đầu trong các lĩnh vực: giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm; nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ.

Đây là những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững. Mục đích chính của đoàn là chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp hàng đầu thế giới đã được kiểm chứng của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục là một quốc gia đối tác quan trọng của Chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm là một phần trong nỗ lực của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm sau gần hai năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp