Vay ngắn hạn của Masan tăng gấp đôi, nợ trái phiếu 35.000 tỷ đồng

MASAN DOANH NGHIỆP
17:02 - 30/01/2023
Winmart - hệ thống bán lẻ Masan tiếp nhận từ Vingroup.
Winmart - hệ thống bán lẻ Masan tiếp nhận từ Vingroup.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù doanh thu năm 2022 chỉ giảm 14% so với 2021 nhưng do doanh thu hoạt động tài chính giảm sâu nên lợi nhuận của Masan giảm tới hơn một nửa. Mặt khác, các khoản vay nợ ngắn hạn từ ngân hàng, trái phiếu của doanh nghiệp này đã tăng hơn gấp đôi.

CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu đạt 20.643 tỷ đồng trong quý, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 803 tỷ đồng, giảm 89%.

Năm 2022, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% so với 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.754 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số lãi hơn 10.000 tỷ đồng của năm trước.

Nguyên nhân lớn nhất của con số sụt giảm này là do phần doanh thu tài chính sụt giảm mạnh chỉ còn 2.575 tỷ đồng, so với gần 6.800 tỷ đồng cùng kỳ. Sở dĩ trong năm 2021, doanh thu tài chính của Masan tăng cao là do công ty chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, ghi nhận vào quý cuối năm.

Lợi nhuận của Masan còn bị ảnh hưởng do công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 800 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 202 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, Masan sở hữu tổng tài sản trị giá 141.342 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 47.674 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng. Các khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ hơn 22.000 tỷ đồng xuống gần 14.000 tỷ đồng.

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 332 tỷ đồng lên hơn 3.600 tỷ đồng. MSN đẩy mạnh đầu tư chứng khoán kinh doanh với 1.200 tỷ đồng rót vào trái phiếu và 2.100 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi lãi suất 7%/năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh từ hơn 6.600 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng. Phát sinh chủ yếu là phần ký quỹ ngắn hạn hơn 9.000 tỷ đồng liên quan đến khoản đặt cọc cho bên thứ ba để đầu tư.

Phần tài sản dài hạn chiếm hơn 93.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng đáng kể là đầu tư tài chính dài hạn với hơn 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền đầu tư, góp vốn vào các công ty liên kết và các đơn vị khác.

Trong tháng 4/2022, SHERPA – công ty con do Masan trực tiếp sở hữu đã đầu tư 65 triệu USD, tương đương 25,1% lợi ích chủ sở hữu tại Công ty Trusting Social (TSVN). Tháng 7/2022, H.C.Starck Tungsten GmbH (HCS) công ty con do Masan sở hữu gián tiếp công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu GBP, tương ứng 15% lợi ích chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited và đã hoàn tất thanh toán vào thời điểm lập báo cáo. Hai khoản đầu tư mới này của MSN có trị giá ghi sổ hơn 2.800 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Masan chiếm gần 105.000 tỷ đồng, tăng 21.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn từ các ngân hàng, định chế tài chính và phát hành trái phiếu tăng mạnh lên hơn 40.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 gần 19.000 tỷ đồng. Vay dài hạn cũng tăng gần 9.000 tỷ đồng lên hơn 30.400 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty đã phải trả hơn 4.800 tỷ đồng tiền lãi.

Theo thuyết minh, nợ trái phiếu của Masan là 35.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong số ít doanh nghiệp hoàn tất phát hành nhiều lô trái phiếu lớn, chủ yếu nhằm mục đích đảo nợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp