Trong năm 2022, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành tái cơ cấu 'cục nợ' Pacific Airlines

VIETNAM AIRLINES THOÁI VỐN
16:36 - 28/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines ngày 28/6, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết đến tháng 6/2022, tình hình tài chính Pacific Airlines vẫn rất nghiêm trọng.

Theo đó, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết Pacific Airlines đang bị thiếu hụt dòng tiền và đe dọa lớn đến khả năng thanh toán, có thể phải chấm dứt hoạt động. Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách theo quy định hiện hành.

Hãng hàng không Pacific Airlines - "cục nợ" của Vietnam Airlines

Hãng hàng không Pacific Airlines - "cục nợ" của Vietnam Airlines

Hiện tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán. Sau 2 năm COVID, hãng này lỗ lần lượt 2.144 tỉ đồng và 2.308 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 3.522 tỉ đồng. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách với doanh nghiệp nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề này, ông Trần Khắc Hiền, kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán của Vietnam Airlines cho biết thêm, hãng đã tiến hành tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng cho Pacific Airlines, thực hiện các giải pháp tài chính, xem xét định giá công ty. Tuy nhiên, hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển nhượng vốn với các doanh nghiệp có cổ phần chi phối bởi Nhà nước.

"Vietnam Airlines đã làm việc với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư tiềm năng nhưng lựa chọn nhà đầu tư thế nào, có thể bán riêng lẻ hay đấu thầu công khai rộng rãi thì đi vào cụ thể theo từng văn bản pháp luật đều bị vướng do Pacific Airlines là doanh nghiệp rất đặc biệt, khi có lỗ lũy kế và thua lỗ nên khi bán doanh nghiệp có khoản đầu tư bị lỗ thì vướng về cách thức chuyển nhượng trên thị trường", ông Hiền nói thêm.

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, Pacific Airlines là một hãng hàng không nên cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như các hãng hàng không khác. Hiện nay Vietnam Airlines có đề án tái cơ cấu lại cổ đông của Pacific Airlines. Đây là hướng đi cần thiết để đảm bảo hoạt động của hãng nhưng cần những thủ tục pháp lý để thực hiện. Vấn đề này đã được đưa vào đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines để báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Trả lời câu hỏi liệu nhà đầu tư vào Pacific Airlines có e ngại nếu Vietnam Airlines vẫn nắm cổ phần chi phối tại Pacific Airlines, ông Hà cho biết Vietnam Airlines sẵn sàng mở cơ hội với nhà đầu tư vào Pacific Airlines khi trong phương án tái cơ cấu hãng này, Vietnam Airlines đặt tỉ lệ nắm mức 30% hoặc 0% vốn của Pacific Airlines.

Trong giai đoạn hiện nay, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.

Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines. Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines tiếp nhận 30% cổ phần do Qantas tặng nên nắm gần 99% vốn của Pacific Airlines.

Tin liên quan

Đọc tiếp