Tiến độ đường vành đai 4 được đẩy nhanh để mở rộng liên kết vùng

ĐẦU TƯ CAO TỐC
15:45 - 14/02/2022
Dự án đường Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển thủ đô, giảm ùn tắc giao thông.
Dự án đường Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển thủ đô, giảm ùn tắc giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ngày 14/2, tại hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng.

Theo ông Chu Ngọc Anh, khi có tuyến đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Ảnh: Lao động
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Ảnh: Lao động

Đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cũng báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Dự án có chiều dài 112,8 km với điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó Hà Nội có 58,2 km qua 7 huyện; Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7km.

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.

Sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Dự án đường vành đai 4 cũng có 3 cầu vượt vượt sông. Cụ thể, 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...

Đường vành đai 4 Hà Nội được quy hoạch chạy qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh thành phố. Dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1287/QĐ-TTg về Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam QL18.

Hà Nội xác định việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Bản đồ quy hoạch đường vành đai 4
Bản đồ quy hoạch đường vành đai 4

Ngay trong tháng 5/2021, Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương liên quan đã ký thoả thuận xác định quan điểm chung là cần thiết phải tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay; triển khai đầu tư hỗn hợp đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Đường vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hai bên tuyến đường.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn.

Đồng thời, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cụ thể, đoạn vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài trên 20 km, đoạn vành đai 4 đi qua Bắc Ninh có chiều hơn 20km.

Hiện tại, cả Hưng Yên và Bắc Ninh đang là những điểm "nóng" thu hút nhà đầu tư phát triển bất động sản nhà ở và khu công nghiệp những năm gần đây. Văn Giang (Hưng Yên) cũng là địa phương thu hút nhiều dự án bất động sản tầm cỡ, nổi bật là Ecopark có tổng diện tích hơn 499 ha.

Ecopark Văn Giang, Hưng Yên

Ecopark Văn Giang, Hưng Yên

Tương tự, huyện Khoái Châu, hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN sạch có quy mô 143,08ha tại huyện Khoái Châu và Ân Thi với tổng mức đầu tư là 1.788 tỷ đồng.

Ở Bắc Ninh, hai huyện Thuận Thành và Quế Võ có đường Vành đai 4 đi qua cũng đang có nhiều khu đô mới như: Đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; khu đô thị Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông); khu đô thị An Bình; khu đô thị Hồng Hạc (xã Xuân Lâm) đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Tiến độ đường vành đai 4 được đẩy nhanh để mở rộng liên kết vùng ảnh 4

Thành phố Bắc Ninh

Ngoài ra, trong tương lai sẽ có thêm hai KCN tập trung tại khu vực xã Ngũ Thái và xã Nguyệt Đức thuộc huyện Thuận Thành và khu vực xã Vạn Ninh thuộc huyện Gia Bình với tổng diện tích là 500ha.

UBND hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, hai địa phương dù nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4 sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy hoạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của Vùng Thủ đô.

Tin liên quan

Đọc tiếp