Phát triển hạ tầng giao thông sẽ mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Tây Nguyên Nông Sản
14:05 - 26/04/2024
Ảnh minh họa: CTCP Phân bón Bình Điền
Ảnh minh họa: CTCP Phân bón Bình Điền
0:00 / 0:00
0:00

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả kiến nghị, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu cho xuất khẩu  tươi và chế biến sâu, một yêu cầu quan trọng cho ngành công nghiệp nông nghiệp Tây Nguyên. 

Nói về tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Tuấn Hà nhận định, với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của Việt Nam.

Với ưu thế địa lý như đất đai phong phú, khí hậu thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Tây Nguyên là vùng đất trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mắc ca..., cùng nhiều loại cây ăn quả khác, ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên diễn sáng nay 26/4 tại tỉnh Đăk Lăk.

So về sản lượng của cả nước, cà phê Tây Nguyên chiếm 94,8%, cao su chiếm 22,1%, hồ tiêu chiếm 68,6%.

Một số cây ăn quả tăng nhanh như sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất chanh dây lớn nhất cả nước, chiếm trên 70% diện tích.

Tây Nguyên còn là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

Tuy nhiên, dù Tây Nguyên hội tụ đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện nay vùng này còn gặp nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, và về khoa học công nghệ, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú.

Tây Nguyên cũng chia sẻ một hiện trạng tương đối phổ biến của nông nghiệp Việt Nam là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu, dẫn đến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, có giá trị gia tăng thấp.

Các sản phẩm nông sản chủ lực có chất lượng không đồng đều. Điều này khiến hàng nông sản của Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường, ông Vũ Bá Phú nói.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh còn yếu, công tác xúc tiến thương mại chưa thường xuyên, doanh nghiệp cũng chưa tận dụng tốt thế mạnh của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Trước thực trạng trên, ông Nguyên đề xuất một số giải pháp cho phát triển nông sản của vùng.

Cụ thể, ngay trước mắt, Bộ Công Thương nên phối hợp với chính quyền tỉnh Tây Nguyên định kỳ hàng năm tổ chức các hội chợ lớn để xúc tiến thương mại, ví dụ như lễ hội cà phê.

Đây sẽ là dịp để doanh nghiệp của vùng có cơ hội quảng bá với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng là dịp để trao đổi thông tin với ý nghĩa mang thị trường đến tận tay doanh nghiệp trên địa bàn.

Việc tổ chức các hội chợ lớn mang tính liên kết còn là dịp để Tây Nguyên kích cầu du lịch, ông Nguyên nói.

Các sản phẩm nông sản của Tây Nguyên, bao gồm rau quả cũng cần được đưa lên sàn thương mại điện tử. Điều này không chỉ kết nối với các vùng trong nước mà còn thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Nguyên, việc kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến sâu là vấn đề quan trọng số một cho ngành trồng trọt của Tây nguyên.

“Do đó, đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt trong liên thông vùng, kết nối liên quốc gia, cửa khẩu, cảng biển được cho là ưu tiên hàng đầu,” ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.

Bên cạnh đó, cần phổ biến tốt hơn cho doanh nghiệp các thông tin về chính sách ưu đãi và thuế phí, luật đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp liên kết thành các tập đoàn sản xuất. Từ đó tạo nên hàng hóa mang thương hiệu quốc gia, tăng giá trị trên thị trường quốc tế và tận dụng tốt các FTA đang có của Việt Nam.

Đồng thời, cần tuyên truyền thành lập các hợp tác xã, trang trại lớn hoặc hội sản xuất rau quả liên vùng để hình thành vùng chuyên canh. Từ đó phục vụ xuất khẩu tươi, cung ứng nguyên liệu dồi dào bền vững cho các nhà máy chế biến sâu.

Điều đó sẽ cũng giúp các bên nắm bắt thông tin thị trường nhanh hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Bàn cụ thể về vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản và trả lời câu hỏi vì sao người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, ông Nguyên cho rằng, hệ thống truy xuất chỉ ra chính xác một đơn vị thuộc lô sản phẩm nào, sản xuất ở đâu, sử dụng chất gì trong quá trình sản xuất, và cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm các bên liên quan tới việc sản xuất, đóng gói, phân phối… lô sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng.

Tại các thị trường nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hoa Kỳ, EU… hiện đã đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu. Tiêu biểu như Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ, hay các quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu qua Lệnh 248, 249…

“Hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng khi mua và tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động này giúp người tiêu dùng, đối tác thương mại có thể biết thông tin về sản phẩm từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường, tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng đối với nhà sản xuất, thúc đẩy thương mại gia tăng, mang lại nhiều lợi nhuận cho các bên tham gia,” ông Nguyên chia sẻ.

Đọc tiếp