Tiềm năng giá trị cao từ loài thủy sản nuôi trồng ‘không cần thức ăn’

Rong biển THỦY SẢN
07:52 - 04/12/2022
Bà con nông dân thu hoạch rong biển.
Bà con nông dân thu hoạch rong biển.
0:00 / 0:00
0:00
Rong biển Việt Nam được đánh giá là loài có giá trị sinh kế cao cho người nông dân với khoảng 900.000ha tiềm năng nuôi trồng, nhưng cần đầu tư phát triển hơn loại thủy sản chi phí rẻ này.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, Việt Nam ghi nhận được 827 loài rong biển, thuộc 4 ngành là rong lam (88 loài), rong đỏ (412 loài), rong nâu (147 loài) và rong lục (180 loài).

Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở Việt Nam khoảng 900.000ha, nhưng việc trồng rong biển còn sơ khai. Diện tích trồng rong biển giai đoạn 2005 - 2019 khoảng 10.150ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn tươi, được trồng nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thành công mô hình trồng rong biển kết hợp với nuôi thủy sản. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.840 tấn rong biển, trị giá khoảng 4,5 triệu USD.

Trong Hội nghị “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển”, chiều 3/12 tổ chức tại Phú Yên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Phùng Đức Tiến nhận định, trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, nuôi trồng rong biển có đặc tính không phải cho ăn, nên không lo thức ăn thủy sản giá cao hay thấp, chỉ cần đầu tư khâu giống là có sinh kế ổn định lâu dài, cần tận dụng triệt để lợi thế này.

"Trong chuỗi phát triển, đừng xem rong biển là sản phẩm có giá trị thấp, mà phải nhìn về những thị trường rong biển có giá trị rất cao, để thay đổi ý thức tổ chức nuôi trồng. Trong bối cảnh hiện nay nguồn nguyên liệu để làm thức ăn cho nuôi cá, nuôi tôm gặp nhiều khó khăn thì trồng rong sẽ tạo sinh kế rất lớn”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, đối với ngành rong biển, khi đã có giống chất lượng, có vùng trồng, có quy trình sản xuất hoàn thiện, có nhà máy chế biến thì hoàn toàn có quyền nghĩ đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ rong biển.

Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản từ nay đến hết tháng 1/2023 phải trình Bộ chương trình cụ thể về phát triển rong biển. Phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng.

Nói về kế hoạch phát triển rong biển, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong chiến lược thủy sản của Việt Nam là giảm khai thác, đặc biệt là khai thác gần bờ, chuyển sang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản với rất nhiều đối tượng như cá, tôm…, rong biển cũng là đối tượng có nhu cầu rất lớn, không chỉ trong nước mà cả thị trường xuất khẩu.

“Đây chính là tiềm năng để ngành thủy sản phát triển mạnh nuôi trồng rong biển. Riêng khu vực miền Trung có bờ biển dài, có tiềm năng về mặt nước và điều kiện tự nhiên rất phù hợp để phát triển các đối tượng rong biển như rong sụn, rong nho… những sản phẩm hiện đang có nhu cầu rất cao”, ông Luân chỉ ra.

Về phát triển rong biển của Việt Nam hiện nay theo Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản mới chỉ là kết quả ban đầu. Để ngành rong biển phát triển ổn định trong thời gian tới, ngay từ bây giờ cần phải nghiên cứu, chọn tạo để có được những giống rong biển chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau như lĩnh vực thực phẩm hoặc cho lĩnh vực dược phẩm.

Tiếp đến là công nghệ trồng để có thể đạt sản lượng cao nhất, rút ngắn thời gian trồng, đặc biệt là đạt chất lượng xuất khẩu.

Cũng theo ông Luân, về chế biến cũng cần thoát khỏi sự đơn điệu như bấy lâu nay. Với nhu cầu hiện nay, việc đầu tư cho nghiên cứu, chế biến cần đi vào chiều sâu, nhất là sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực dược, lĩnh vực y tế. Các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp cần chung tay nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm giá trị của ngành rong biển Việt Nam.

Vấn đề tổ chức thu mua sơ chế cần phải truy xuất được nguồn gốc, từ đó mới mong có được sản phẩm có giá trị, đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường cao cấp.

Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ khoa học và công nghệ triển khai lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển, phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trung tâm khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm với rong biển, đạt được một số hiệu quả, giúp các hộ dân tham gia mô hình thu lợi nhuận.

Tin liên quan

Đọc tiếp