Thời trang 'Made in Việt Nam' nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
18:20 - 07/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, sức mua tại các cửa hàng, hệ thống của nhiều thương hiệu thời trang trong nước đã dần ổn định. Hàng thời trang "Made in Việt Nam" ngày càng phổ biến, nhưng cũng gặp khó khăn do nhiều thương hiệu quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ngành may mặc - thời trang vốn là "mảnh đất màu mỡ" thu hút nhiều thương hiệu quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến cho cuộc so kè với hàng loạt thương hiệu trong nước ngày càng sôi động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực tạo lập nên những sản phẩm đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả phù hợp hướng tới người tiêu dùng.

Thời trang Việt đang có nhiều lợi thế để phát triển trên “sân nhà” so với các nhãn hàng thời trang nước ngoài, nhất là khi các đơn hàng thời trang nội địa từ Trung Quốc đang bị ùn ứ do nhiều thành phố ở Trung Quốc tạm phong tỏa để chống Covid-19.

Cùng với đó, thời trang nhanh (fast fashion) cũng đang trở thành xu hướng mới nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đã tạo cơ hội cho các thương hiệu địa phương trong nước ra đời. “Local brand” được hiểu là thương hiệu nội địa của một vùng nhất định. Ví dụ như ở Việt Nam, các sản phẩm của local brand được lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất bởi người Việt và đóng mác “made in Vietnam”…

Hiện có hơn 90% sản phẩm may mặc đến từ các nhà cung cấp trong nước là các công ty, cơ sở sản xuất may mặc có tiếng như Nhà Bè, Việt Tiến, Paltal, Trần Trúc, Ngọc Phương, Ban Mai... đang được phân bổ tại hơn 100 siêu thị của hệ thống Saigon Co.op

Trung bình mỗi năm, chủng loại mặt hàng thời trang tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra tăng 20%. Theo đại diện Saigon Co.op, để đảm bảo chất lượng hàng may mặc, ngoài việc xây dựng các tiêu chí đầu vào đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Nhà nước, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật cho vải thì tiêu chuẩn của nguyên phụ liệu cũng được nghiêm ngặt tuân thủ.

Đối với một số thương hiệu, nhãn hàng local brand, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã tạo nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần. Đây như là “bộ lọc” đối với các thương hiệu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp về vốn, nguồn hàng, từ đó tạo điều kiện phát triển đối với các thương hiệu đủ sức cạnh tranh, có ngôn ngữ, xu hướng thiết kế riêng.

Tin liên quan

Đọc tiếp