Một tỉnh phía Nam vươn lên dẫn đầu thu hút FDI

FDI ĐẦU TƯ
17:35 - 06/05/2024
Nhà máy sợi sinh học BDO của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với số vốn 730 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ.
Nhà máy sợi sinh học BDO của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với số vốn 730 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
4 tháng đầu năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút hơn 1,52 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác để vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước.

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 10 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng, chiếm gần 75% số dự án mới và hơn 79% số vốn FDI cả nước trong 4 tháng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đang tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế như có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, chính quyền địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu bảng xếp hạng top 10 địa phương thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2024, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ.

Vốn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh nhờ nhiều dự án đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đó, nổi bật có nhà máy sợi sinh học BDO của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với số vốn 730 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tỉnh cũng thu hút một số dự án có vốn đầu tư cao như nhà máy Electronic Tripod Việt Nam tổng vốn 250 triệu USD; nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam tổng vốn hơn 275 triệu USD.

Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu có 21 dự án FDI mới được cấp phép và 29 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương gần 154% kế hoạch và tăng 91,7% so với năm 2022, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Ngày 16/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được kỳ vọng mở ra con đường lớn để Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tiên phong, đột phá, định vị vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của vùng và cả nước.

Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được tổ chức cuối tháng 3/2024, ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung tiếp tục khẳng định chủ trương "đặt tương lai 100 năm nữa tại Việt Nam", bằng cách mở rộng đầu tư của tập đoàn này trong tương lai, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược này.

"Với quy hoạch mới được phê duyệt, tỉnh tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ lợi thế là cửa ngõ hàng hải của vùng và cả nước, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn," Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung nói.

Hà Nội đứng thứ hai về thu hút FDI

Đứng thứ 2 là Hà Nội với gần 1,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1,008 tỷ USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD.

Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Tiếp theo lần lượt là TP HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng.

Tính lũy kế đến ngày 20/04/2024, cả nước có 40.049 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 303,46 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó TP HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 57,7 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hà Nội với hơn 42,2 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư; Bình Dương với gần 40,7 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.

Đọc tiếp