'Mạng lưới tín dụng xanh' cho các dự án năng lượng sạch

NGÂN HÀNG Việt nAM
07:31 - 27/04/2022
'Mạng lưới tín dụng xanh' cho các dự án năng lượng sạch
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Allotrope Partners đã tổ chức hội thảo trực tuyến khởi động dự án hỗ trợ các hoạt động xanh hoá ngân hàng “ Greening the Banks: Financing a Net-Zero Future”.

Dự án được thiết kế với ý tưởng thúc đẩy các tổ chức tài chính triển khai các chương trình tín dụng hướng tới những dự án phục vụ tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Tại hội thảo, những nhà tổ chức dự án đã nói về một kế hoạch dường như rất tham vọng - thiết lập nền tảng bước đầu hình thành mạng lưới Green the Banks (GTB - Xanh hoá ngân hàng) tại Việt Nam, khu vực và trên toàn cầu.

"Mục tiêu của GTB là tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý địa phương; các ngân hàng thiết lập và thực hiện các chiến lược để mở rộng quy mô các dự án xanh; tăng cường phối hợp trong hệ sinh thái khu vực giữa các ngân hàng, nhà phát triển, các cơ quan quản lý, người dân và các bên liên quan khác," Giám đốc điều hành Allotrope Partners ông Marc Stuart nói.

"Khi khuôn khổ pháp lý được cải thiện và tích hợp để thúc đẩy lồng ghép tài chính xanh, các sản phẩm xanh được cung cấp rộng rãi, các cơ hội tài chính bền vững được tạo ra và các khoản đầu tư vào năng lượng sạch được mở rộng nhanh chóng trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á", ông Marc Stuart phát biểu tại cuộc hội thảo nói trên.

Xu hướng ngân hàng xanh tại Việt Nam

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên toàn quốc.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do đó, đã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và phục vụ tăng trưởng xanh như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách trồng rừng, bảo vệ môi trường…

Theo ông Hùng, NHNN đã ưu tiên trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, đồng thời lồng ghép các chính sách cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thanh toán, phát triển dịch vụ ngân hàng và trong chiến lược quốc gia tài chính toàn diện.

Kết quả đạt được trong cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngân hàng đến cuối năm 2021 tương đối khả quan. Theo đó, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 451.548,82 tỷ đồng, chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 35,56% so với năm 2020. Chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh - chiếm hơn 32% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 46%.

Các khoản khác như dư nợ công trình xanh đạt 1.027 tỷ đồng; dư nợ cho vay năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 221.070 tỷ đồng.

Về mặt chính sách, NHNN đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng. NHNN cũng đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất. Từ đó làm cơ sở để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế; huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.

Còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai

Về những mốc phát triển trong thời gian qua của ngành ngân hàng trong việc tích hợp khung đánh rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: "Đây vẫn chỉ là bước khởi đầu. Các tổ chức tín dụng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường và các rủi ro liên quan trong danh mục đầu tư và cho vay thông thường của họ."

Ông Hùng cũng cho biết, quá trình xây dựng và triển khai chiến lược quản trị rủi ro ESG của ngành ngân hàng vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường và rủi ro liên quan trong danh mục đầu tư và cho vay thông thường của họ.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng có truyền thống tạo ra các sản phẩm ngân hàng xanh hoặc bền vững bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường, việc tách bạch các sản phẩm xanh và truyền thống để đánh giá rủi ro ESG là không dễ dàng.

Thứ ba, việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu ESG để thiết lập mô hình đánh giá rủi ro là điều cần thiết để các ngân hàng xác định và đánh giá thành công rủi ro ESG. Nhưng công việc này cũng rất khó và cần nhiều nguồn lực của các ngân hàng.

Thứ tư, khó khăn trong việc tích hợp ESG vào các quy trình quản lý rủi ro hiện có của ngân hàng. Các chính sách và thủ tục hiện tại cần phải phù hợp với chiến lược quản lý rủi ro ESG.

Theo Giám đốc điều hành Allotrope Partners ông Marc Stuart, từ 2018 tổ chức này đã thực hiện chương trình thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch thông qua Tổ chức Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA).

“Dự án về năng lượng sạch thí điểm mà chúng tôi xây dựng phù hợp với các đơn vị thương mại và công nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng Dự án Xanh hóa Ngân hàng – GTB. Các công nghệ năng lượng tái tạo hiện đang phát triển rất mạnh trên toàn cầu.

Việc phát triển năng lượng sạch ở mỗi hệ thống tài chính đều có những điểm khác biệt khi mỗi nền kinh tế đều có những chính sách khác nhau, có những yêu cầu khác nhau. Vì thế, dự án của chúng tôi hướng đến hỗ trợ, kết nối hợp tác giữa các hệ thống tài chính trong khu vực nhằm đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc chung”, ông Marc Stuart cho biết.

"Khi khuôn khổ pháp lý được cải thiện và tích hợp để thúc đẩy lồng ghép tài chính xanh, các sản phẩm xanh được cung cấp rộng rãi, các cơ hội tài chính bền vững được tạo ra và các khoản đầu tư vào năng lượng sạch được mở rộng nhanh chóng trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á", ông Marc Stuart nói.

Về phía VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng mong muốn thời gian tới đây, VNBA hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của ngành ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Tin liên quan

Đọc tiếp