Đường Quảng Ngãi chốt ngày chia cổ tức, đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 đi lùi

Mía đường quảng ngãi
10:46 - 21/12/2022
Đường Quảng Ngãi có năm kinh doanh thuận lợi nhờ giá đường tăng.
Đường Quảng Ngãi có năm kinh doanh thuận lợi nhờ giá đường tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,2% và giảm 15,9% so với ước tính thực hiện trong năm 2022.

CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022. Cụ thể, cổ tức được trả bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.000 đồng.

Với hơn 356,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ tạm ứng tổng cộng 356,9 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt tạm ứng lần này. Ngày đăng ký cuối cùng là 5/1/2023 và ngày thanh toán dự kiến là ngày 16/1/2023.

Về ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, công ty dự kiến tổ chức ngày 1/4/2023 tại Quảng Ngãi. Kế hoạch kinh doanh được đưa ra là doanh thu 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng. Năm 2022, QNS ước tính doanh thu đạt 8.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,2% và giảm 4,4% so với thực hiện trong năm 2021.

Như vậy, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 lần lượt tăng 1,2% và giảm 15,9% so với ước tính thực hiện trong năm 2022.

Năm 2022, Đường Quảng Ngãi cũng đặt kế hoạch lợi nhuận 1.008 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, công ty đã vượt mục tiêu đề ra.

Diễn biến cổ phiếu QNS.

Diễn biến cổ phiếu QNS.

Kết quả kinh doanh của QNS được ủng hộ bởi đà tăng giá của đường. Giá đường trong nước tăng được phản ánh rõ trong tháng 9/2022 bởi đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá đường Việt Nam tăng và đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua, dao động từ 19.400 – 20.000 đồng/kg đối với đường kính trắng và 20.200 – 21.000 đồng/kg (đường tinh luyện), tăng 600 - 700 đồng/kg so với tháng trước. Tính chung trong quý 3/2022 giá đường trong nước đã tăng 10-14%, tương ứng tăng 1.800 – 2.600 đồng/kg.

Tuy vậy, giá đường trong nước vẫn đang ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực (đặc biệt chỉ bằng khoảng 50% so với giá đường tại Philippines) dù gần đây được hưởng lợi từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

Sản lượng đường trong nước khó tăng trưởng trong các năm tiếp theo do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn đường mỗi năm.

Mặt khác, giá đường thế giới được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao, tuy nhiên sẽ lệ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát đường nhập lậu và chính sách nhập khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, tỷ giá USD dự báo tiếp tục tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đầu vào của đường nhập khẩu. Trước các thách thức đó, việc Đường Quảng Ngãi đặt kế hoạch thận trọng trong năm 2023 cũng là dễ hiểu.

Tin liên quan

Đọc tiếp