Các tòa án Thái Lan sắp xét xử 3 vụ kiện chính trị lớn

Chính trị THÁI LAN
16:52 - 12/06/2024
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại Văn phòng Chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/4. Ảnh: AP
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại Văn phòng Chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/4. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần tới, các tòa án Thái Lan sẽ xử vụ kiện chống lại Thủ tướng Srettha Thavisin, vụ kiện cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vi phạm luật khi quân và vụ kiện đề nghị giải thể đảng đối lập Tiến lên (Move Forward). 

Theo Bangkok Post, trong tuyên bố ngày 12/6, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết vụ kiện chống lại Thủ tướng Srettha Thavisin bắt nguồn từ việc 40 thượng nghị sĩ hồi tháng 5 đã đệ đơn kiến nghị tòa án cách chức ông Thavisin, cáo buộc rằng nhà lãnh đạo này vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm nhân sự nội các.

Trong đợt cải tổ nội các gần đây, Thủ tướng Srettha đã bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban làm Chánh Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, các nghị sĩ đặt nghi vấn liệu ông Srettha và ông Pichit có nên bị cách chức theo Mục 170 khoản 4 và 5 của Hiến pháp Thái Lan, liên quan đến các tiêu chuẩn đạo đức và liêm chính.

Thủ tướng Srettha Thavisin (trái) và ông Pichit Chuenban (phải).

Thủ tướng Srettha Thavisin (trái) và ông Pichit Chuenban (phải).

Ông Pichit được coi là có mối quan hệ thân cận với gia đình hai cựu thủ tướng Thái Lan là Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Ông từng là luật sư đại diện cho anh em nhà Shinawatra trong nhiều vụ án lớn chống lại hai chính trị gia này.

Vào năm 2008, ông Pichit Chuenban cùng 2 đồng nghiệp bị kết án 6 tháng tù, sau khi bị cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao bằng cách đưa đưa cho họ một hộp đựng cơm trưa có chứa 2 triệu Bath (54.521 USD). Ông Pichit cũng bị đình chỉ giấy phép hành nghề luật sự trong 5 năm.

Ông Pichit đã từ chức Chánh Văn phòng Thủ tướng hôm 21/5, ngay trước khi Tòa án Hiến pháp thụ lý đơn khiếu nại của các thượng nghị sĩ. Do vậy, Tòa án đồng ý chỉ xét xử vụ kiện chống lại Thủ tướng Srettha.

Cựu lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat trong cuộc họp báo tại Quốc hội ở Bangkok, Thái Lan, ngày 31/1. Ảnh: AP

Cựu lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat trong cuộc họp báo tại Quốc hội ở Bangkok, Thái Lan, ngày 31/1. Ảnh: AP

Cũng trong ngày 12/6, Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông báo ấn định xét xử đơn yêu cầu giải tán đảng đối lập Tiến lên (Move Forward - MFP) vào ngày 18/6. Hồi tháng 3 năm nay, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã đệ đơn yêu cầu Tòa án ra phán quyết về việc giải tán MFP, cáo buộc đảng này có ý định phá hoại chế độ quân chủ lập hiến khi muốn sửa đổi Mục 112 của Bộ luật Hình sự về luật khi quân.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tại sân bay Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 22/8/2023. Ảnh: Guardian
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tại sân bay Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 22/8/2023. Ảnh: Guardian

Ngày 18/6 cũng là thời điểm cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra sẽ phải trình diện trước Tòa án để tiến hành quá trình cáo trạng về cáo buộc xúc phạm hoàng gia theo Mục 112 của Bộ luật Hình sự và cáo buộc tội phạm máy tính, liên quan đến cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc vào ngày 21/2/2015.

Thái Lan là quốc gia áp dụng luật khi quân nghiêm ngặt, nhằm ngăn cấm các hành vi xúc phạm vua và hoàng gia. Theo quy định, người có hành vi “phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa vua, hoàng hậu, người thừa kế, hoặc quan nhiếp chính” sẽ bị phạt từ 3-15 năm tù. Nếu bị phát hiện vi phạm luật khi quân, đảng chính trị tại Thái Lan có thể bị giải tán và những người đứng đầu của đảng sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong 10 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp