10 sự kiện nổi bật ngành lao động thương binh và xã hội năm 2022

An sinh Xã hội
08:17 - 17/01/2023
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
0:00 / 0:00
0:00
Với đối tượng quản lý đông và phức tạp, trong năm 2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hoàn thành được các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển thị trường lao động, chăm sóc an sinh xã hội. 

Hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Kết quả, năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 Nghị định, 3 Quyết định, 2 báo cáo và ban hành 20 Thông tư.

Trong năm 2022, Thanh tra toàn ngành LĐTB&XH đã triển khai 2.273 cuộc thanh tra, 623 cuộc kiểm tra, ban hành 2.273 kết luận thanh tra, phát hiện 9.877 thiếu sót, sai phạm; 454 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 26 tỷ đồng (bằng 315,4% năm 2021). Thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 198 tỷ đồng (bằng 110% năm 2021).

Toàn ngành LĐ&TB&XH đã tiếp 10.571 lượt người, tiếp nhận 10.428 đơn, thư và giải quyết 322 vụ khiếu nại, tố cáo, qua đó, giúp Bộ nắm bắt được tình hình, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Hỗ trợ gần 105.000 tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động

Bộ đã có 5,2 triệu người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí trên 3.744 tỷ đồng, kết hợp cùng việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động từ năm 2021 (Nghị quyết 68 và Quyết định 23) với tổng kinh phí hỗ trợ gần 105 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân và người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho người lao động.

Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3,2 triệu đối tượng với tổng kinh phí thực hiện khoảng 18.000 tỷ đồng.

Quan tâm, chăm lo đến người cao tuổi, cả nước có gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trong đó có hơn 2,5 triệu người cao tuổi, 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Tính từ đầu năm đến nay Chính phủ cấp xuất tổng số gần 25 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 492,5 nghìn hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu.

Tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, nhân dịp 75 năm Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả nước đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) thiết thực, trang trọng và ý nghĩa. Công tác đền ơn, đáp nghĩa được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm.

Năm 2022, cả nước đã chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1,2 triệu người có công với kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng; công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 609 liệt sĩ, cấp đổi lại 9.588 Bằng Tổ Quốc ghi công; tiếp nhận 1.876 mẫu hài cốt, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và đối khớp 148 danh tính hài cốt liệt sĩ.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước cũng đã vận động được trên 390 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 4000 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 3000 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 280 tỷ đồng; tặng trên 8000 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 17 tỷ đồng; có 3.560 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt 75 đại biểu người có công tiêu biểu nhân Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt 75 đại biểu người có công tiêu biểu nhân Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập

Cuối năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Đến hết năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1% so với cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.

Tính đến 30/9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đạt 274 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước, có trên 6,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả, thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em và bảo vệ thành công Báo cáo thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

Bộ LĐ&TB&XH đã thực hiện nghiêm túc việc báo cáo về kết quả thực hiện các Công ước của Liên hợp quốc, Công ước của ILO, điều phối hiệu quả các hoạt động thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

Đánh dấu cột mốc Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Lào, ngày 29/11, tại Quảng Ninh, Bộ LĐ&TB&XH Việt Nam cùng với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào với nhiều nội dung quan trọng được thỏa thuận, ký kết.

Đặc biệt, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo lần thứ 5 và 6 về thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em tại Phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) diễn ra tại Gernever(Thụy Sĩ).

Đưa gần 143.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021

Trong năm 2022, Bộ LĐTB&XH đã thúc đẩy đàm phán với các nước tiếp nhận lao động để ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động với Malaysia, Australia, Cộng hòa Liên Bang Đức, Israel, Nhật Bản.

Kết quả, năm 2022, Việt Nam đưa gần 143 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% so với kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021 trong đó lao động đưa đi Hàn Quốc tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động, Phúc lợi và Xã hội Lào.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động, Phúc lợi và Xã hội Lào.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số, tinh gọn cơ cấu, tổ chức bộ máy đạt kết quả tích cực

Với khoảng 51,6 triệu người thuộc đối tượng quản lý của Ngành trong tổng thể cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định năm 2022 là năm khởi đầu của chuyển đổi số của, Bộ đã kết nối, làm sạch hơn 15 triệu trong tổng số 25 triệu dữ liệu trẻ em tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, sớm hơn 2 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng.

Xử lý, làm sạch, xác minh, bổ sung vào cơ sở dữ liệu dân cư hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Trong công tác cải cách hành chính, cùng với việc tiếp tục rà soát, bổ sung, đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành.

Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022

Việt Nam lần đầu tiên giành 2 Huy chương Bạc tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022.

Việt Nam lần đầu tiên giành 2 Huy chương Bạc tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022.

Lần đầu tiên sau 8 lần tham dự, tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt năm 2022 được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức, Đoàn Việt Nam xuất sắc giành được 2 Huy chương Bạc ở hai nghề khác nhau, cho thấy định hướng phát triển kỹ năng nghề, công tác giáo dục nghề nghiệp trong nước tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và đi đúng hướng.

Kỹ năng nghề ngày càng trở nên quan trọng đối với nguồn lực nói chung và người lao động nói riêng, đặc biệt trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày nay.

Đọc tiếp