Việt Nam xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, thặng dư khoảng 11 tỷ USD

Công Thương Việt nAM
18:41 - 26/12/2022
Ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tích trong năm 2022.
Ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tích trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tích trong cả xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp và cung ứng thị trường trong nước, với mức tăng trưởng đạt hoặc vượt mục tiêu được giao.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD

Chiều 26/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, năm 2022 sắp qua đi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã có những tác động bất lợi đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị, năm 2022, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tích trong cả xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp và cung ứng thị trường trong nước.

Theo đó, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự kiến đạt 9% gấp 1,875 cùng kỳ năm trước, đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa 6 dự án có nguồn điện lớn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành.

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt gấp 2,7 mục tiêu kế hoạch của ngành.

Ngoài ra, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước…

Triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quản lý Nhà nước, đóng góp tích cực vào thành tích chung

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.

Trong đó, công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phát hiện xử lý 43.964 vụ vi phạm, tăng gần 2.600 vụ so với cùng kỳ; ước thu nộp ngân sách gần 348 tỷ đồng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng. Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu lớn, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm…

Về công tác phòng vệ thương mại, năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.

Năm 2022, hoạt động thương mại đã phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng hơn 45%, UKVFTA tăng hơn 45%...

Công tác xây dựng pháp luật trong thực thi các hiệp định thế hệ mới cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó, có thể kể đến các văn bản về thực thi hiệp định RCEP (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022). Điều này giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu lớn, ổn định cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm. Bộ Công Thương đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành Công Thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại như năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...). Đồng thời hiện hữu mối lo về thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Hệ thống hạ tầng thương mại như: chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa…

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp