Việt Nam và Singapore hợp tác về năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon

Hợp Tác SINGAPORE
09:41 - 18/10/2022
Từ trái qua Bộ trưởng Nhân lực và Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - Tiến sĩ Tan See Leng, Tổng thống Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: MCI
Từ trái qua Bộ trưởng Nhân lực và Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - Tiến sĩ Tan See Leng, Tổng thống Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: MCI
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 17/10, trước sự chứng kiến của Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các đại diện Việt Nam và Singapore đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng và Biên bản ghi nhớ hợp tác về tín chỉ carbon.

Đại diện phía Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Đại diện Singapore là Bộ trưởng Nhân lực, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp – Tiến sĩ Tan See Leng.

Biên bản ghi nhớ về hợp tác tín chỉ carbon là bản ghi nhớ đầu tiên được ký kết giữa Singapore và một quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Văn bản này nhấn mạnh cam kết chung của Singapore và Việt Nam về việc hợp tác trong các dự án thí điểm tín chỉ carbon sẽ hỗ trợ cả hai quốc gia đạt được các mục tiêu khí hậu. Điều này phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris, cho phép các quốc gia đáp ứng một phần các mục tiêu khí hậu bằng cách mua các khoản tín dụng bù đắp đại diện cho việc cắt giảm phát thải của các quốc gia khác.

Singapore đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào khoảng giữa thế kỷ này và Việt Nam cũng đã công bố mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Thỏa thuận nhằm phát triển một khuôn khổ song phương và ràng buộc về mặt pháp lý để chuyển giao tín chỉ carbon và xác định các dự án tín chỉ carbon tiềm năng.

Biên bản ghi nhớ về Hợp tác năng lượng bao gồm một số lĩnh vực chính như phát triển và tài trợ cho năng lượng tái tạo, cũng như phát triển các kết nối liên kết để phát triển lưới điện thông minh, tăng khả năng phục hồi, ổn định của lưới điện và thúc đẩy kinh doanh điện xuyên biên giới.

Điều này mở đường cho sự hợp tác trên thị trường điện và khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ năng lượng carbon thấp. Các giải pháp này bao gồm hydro, amoniac, hệ thống lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh và cơ sở hạ tầng liên quan, cũng như các dịch vụ carbon và hiệu quả năng lượng.

Tiến sĩ Tan See Leng cho rằng: “Singapore và Việt Nam là những đối tác thân thiết và cam kết hỗ trợ cả quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước chúng ta cũng như quá trình khử carbon trong khu vực”.

Vào tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong thông báo rằng Singapore đang tìm cách đưa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của mình đến “trước hoặc khoảng giữa thế kỷ”, phù hợp với các mục tiêu của Hiệp ước Khí hậu Glasgow trong bối cảnh quốc tế đang phát triển về công nghệ và thị trường carbon.

Trước đó, Singapore đã tuyên bố sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng không "càng sớm càng tốt" trong nửa sau của thế kỷ này theo chiến lược phát triển dài hạn về phát thải thấp. Cụ thể quốc gia này sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030 và giảm một nửa lượng khí thải so với mức cao nhất vào năm 2050.

Ngoài ra, hai Biên bản ghi nhớ khác cũng được ký cùng ngày liên quan đến việc trao đổi thông tin về an ninh mạng, tấn công mạng và tội phạm mạng để ngăn chặn và phát hiện các mối đe dọa.

Thỏa thuận khác liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Một số lĩnh vực sẽ bao gồm lãnh đạo và quản trị, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề ở Việt Nam.

Cũng trong sáng ngày 17/10, Giấy phép đầu tư cho Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) thứ 12 tại thành phố Cần Thơ đã được phê duyệt và trao cho Giám đốc điều hành của Sembcorp Development, ông Kelvin Teo.

Tin liên quan

Đọc tiếp