Việt Nam công bố quy hoạch về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản

THỦY SẢN QUY HOẠCH
10:37 - 31/05/2024
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị sáng ngày 31/5. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị sáng ngày 31/5. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00

Sáng 31/5, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, phân bố lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải sản. 

Tại sự kiện, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét, trong những năm qua, với những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 5,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình khoảng 6,1%/năm.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới (đứng sau Trung Quốc và Na Uy).

“Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa. Sự hiện diện của tàu cá và ngư dân trên các vùng biển, đảo góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền, an ninh biển, đảo của tổ quốc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dù đạt những được thành tựu nhưng mục tiêu bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa do tình trạng khai thác quá mức cho phép.

Đồng thời, cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, vẫn còn hiện tượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khai thác không theo mùa vụ; tổn thất sau thu hoạch khai thác còn cao, trang thiết bị an toàn tàu cá chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ; tranh chấp chủ quyền trên vùng biển ảnh hưởng đến khai thác hải sản; trữ lượng thủy sản nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái suy giảm.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ngày 9/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 389/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Việc lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản là cần thiết. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để phân bố lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải sản, khai thác thủy sản ở nội đồng phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, của hệ sinh thái”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Quy hoạch nhằm bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, các ngành kinh tế; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản, theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

Chia sẻ với nhóm phóng viên bên lề hội nghị, ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến cho biết, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển quy hoạch bảo tồn khu vực Phú Quý trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát triển kinh tế.

Nói về vấn đề liên kết, ông Hiếu cho rằng, Quy hoạch mang tính tổng hợp liên vùng rất cao, đây là mục tiêu chung mà các tỉnh thành, vùng cùng thực hiện hiệu quả.

Trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh cụ thể hóa nhiệm vụ phân công tổ chức thực hiện, Kế hoạch cũng xác định rõ các nguồn lực thực hiện, bao gồm triển khai dự án ưu tiên cấp bách liên quan đến bảo tồn, bảo vệ nguồn thủy sản, Chính phủ có những chính sách, cơ chế hỗ trợ địa phương thực hiện.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác giám sát. Theo ông Hiếu, phải có sự giám sát trực tiếp của Bộ NN&PTNT để kiểm tra tình hình quy hoạch của các địa phương, để phát hiện, chấn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời.

Những mục tiêu cụ thể của quy hoạch

Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Quy hoạch là phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch đặt mục tiêu, 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia (các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia).

Quy hoạch xác định 149 khu vực ở vùng biển (59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản) và 119 khu vực nội địa (66 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn) được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Đối với khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản bao gồm nghề lưới kéo chiếm 10%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%...

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Đọc tiếp