Tò he "100% hồn nhiên" và sứ mệnh của một doanh nghiệp xã hội

Tò he "100% hồn nhiên" và sứ mệnh của một doanh nghiệp xã hội

DOANH NGHIỆP Xã hội
12:15 - 21/11/2021

Thành lập từ năm 2006, Tòhe – một doanh nghiệp xã hội đã đặt cho mình một sứ mệnh phụng sự cộng đồng bằng cách tạo ra những sân chơi học tập, rèn luyện sáng tạo qua các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật cho trẻ em thiệt thòi, trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, trẻ ở vùng sâu vùng xa.

Ở mô hình tổ chức sân chơi nghệ thuật cho trẻ tự kỷ, Tòhe chia thành 3 cấp độ hoạt động tương ứng các nhu cầu phù hợp với trẻ. Tại cấp độ cơ bản, Tòhe làm việc với các trung tâm bảo trợ xã hội mở các lớp dạy vẽ, cung cấp đội ngũ nhân sự chuyên môn đã qua đào tạo để tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Mục đích là mang đến cho các em niềm vui, sự hứng thú với thế giới và thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi bạn.

Ở cấp độ chuyên sâu hơn, Tòhe tuyển sinh các trẻ tự kỷ có năng khiếu và tài năng hội họa. Các bạn sẽ được làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp để rèn luyện, nâng cao khả năng. Ở cấp độ cuối là hướng nghiệp và đạo tạo nghề cho trẻ tự kỷ. Nhận thấy có rất ít các trung tâm hướng nghiệp dành cho các bạn tự kỷ trưởng thành, Tòhe đã mở các lớp hướng nghiệp, dạy nghề thêu, đây là nghề mang tính rập khuôn, lặp đi lặp lại và phù hợp với trẻ tự kỷ.

Các em tham gia sân chơi nghệ thuật hàng tuần. Nguồn: tohe.vn

Các em tham gia sân chơi nghệ thuật hàng tuần. Nguồn: tohe.vn

Tháng 02/2020, xưởng thêu Tòhe Style đã cho ra mắt bộ sản phẩm đầu tiên mang tên Kẹp tóc nhung. Tháng 4/2020, Xưởng thêu cho ra mắt bộ sưu tập “Giao mùa” với bước tiến lớn từ phụ kiện lên các sản phẩm thời trang đa dạng như váy dài, áo sơ mi, quần vải... với các mẫu hình khác nhau.

Tranh vẽ của các bạn cũng được scan, số hoá và tinh chỉnh bởi đội ngũ thiết kế và dùng làm họa tiết trang trí in trên các sản phẩm thời trang, lifestyle mà Tòhe phát triển dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp như: túi, ví, phụ kiện du lịch, phụ kiện công nghệ, đồ trang trí gia đình. Các đối tác doanh nghiệp đã sử dụng những sản phẩm đậm chất nhân văn này của Tòhe có thể kể đến như Coca-Cola, Unilever, Vietnam Airlines, Air Asia, Starbucks...

Đặt nhiệm vụ xây dựng tinh thần lạc quan, hồn nhiên cho trẻ lên hàng đầu, Tòhe trở thành nơi nuôi dưỡng và “giữ gìn” tâm hồn trẻ thơ, đặc biệt đối với các em thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ em mồ côi...

Qua 15 năm hoạt động (2006 - 2021), đã có hơn 3000 trẻ đặc biệt tham gia các sân chơi sáng tạo của Tòhe, với hơn 2500 buổi học diễn ra hàng tuần tại 40 trung tâm/trường học trên khắp cả nước, hơn 400 cộng tác viên tham gia và 1.1 tỷ đồng tiền bản quyền tranh đã được trao. Lợi nhuận thu lại của mỗi sản phẩm, Tòhe dành 5% doanh thu dành cho các tác giả, phần nào tạo động lực cho các bé tiếp bước trên con đường sáng tạo, kiếm tìm niềm vui cho bản thân.

Thông qua các sân chơi sáng tạo nghệ thuật miễn phí, Tòhe mang đến cho các bé niềm vui, cảm nhận được tình yêu từ mọi người xung quanh, giúp các bé học được cách tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, mang đến sự khám phá mới mẻ về khả năng và tinh thần sáng tạo tồn tại bên trong mỗi các em.

Năm 2019, khi Tòhe đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử hình thành của doanh nghiệp này, những người tổ chức Tòhe thậm chí đã đưa ra những kế hoạch đầu tư cho năm 2020 như mở các cửa hàng mới tại Hội An, Tp.HCM… hướng tới phát triển thị trường ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhưng tất cả những dự định đó đều đã phải gác lại.

Đầu 2020, đại dịch lan tới Việt Nam. Tòhe cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội đã phải đối mặt một loại khó khăn mà họ chưa từng trải qua.

Sân chơi nghệ thuật trực tiếp của Tòhe phải tạm dừng do dịch bệnh. Nguồn: tohe.vn

Sân chơi nghệ thuật trực tiếp của Tòhe phải tạm dừng do dịch bệnh. Nguồn: tohe.vn

Đại dịch đã đẩy mảng kinh doanh của Tòhe đối mặt với khó khăn về chuỗi cung ứng. Các cơ sở in ấn đều ở trong Nam nên trong thời gian Tp.HCM giãn cách, Tòhe không thể tiếp tục việc in ấn và vận chuyển nguyên vật liệu. Chuỗi sản xuất lập tức bị đứt gãy.

Về mặt thị trường, nhóm khách hàng Tòhe tập trung trước đại dịch là nhóm khách hàng lẻ và khách hàng doanh nghiệp. Khi dịch bệnh xuất hiện, nhóm khách hàng lẻ phải đối mặt với vấn đề tài chính. Đồng thời, giãn cách xã hội nhiều lần khiến nhóm này dần đặt vấn đề thời trang ở phía sau, thay vào đó là những nhu cầu liên quan đến các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.

Việc dừng gần như toàn bộ hoạt động đã khiến Tòhe đối diện với vấn đề sụt giảm doanh thu. Trao đổi với MEKONG ASEAN, chị Phan Thanh Vân, Giám đốc điều hành Tòhe cho biết: “Doanh thu và lợi nhuận của Tòhe tính thời điểm này đã sụt giảm khoảng 60% so với trước đại dịch”.

Chị Phan Thanh Vân, Giám đốc điều hành: Tòhe đã có lúc đối diện với thách thức vô cùng lớn.

Chị Phan Thanh Vân, Giám đốc điều hành: Tòhe đã có lúc đối diện với thách thức vô cùng lớn.

Doanh nghiệp đã phải đóng cửa hàng loạt các cửa hàng và hệ thống, bao gồm các cửa hàng tại hệ thống sân bay quốc tế ở Việt Nam, hệ thống đại lý ở các thành phố du lịch và một cửa hàng bán lẻ tại trung tâm Hà Nội.

Trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021, doanh thu của Tòhe gần như bằng 0. Lý giải cho điều này, chị Vân cho biết sản phẩm của Tòhe không nằm trong danh sách các mặt hàng thiết yếu nên khi Hà Nội ra quyết định giãn cách, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải tạm dừng để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

“Ngay cả những đơn hàng đã sản xuất xong cũng không thể giao cho khách vì TP giãn cách. Hệ thống bán lẻ của Tòhe đã có lúc đối diện với thách thức vô cùng lớn”, chị Vân nói.

Tuy nhiên, trải qua 3 đợt dịch và đối mặt với làn sóng thứ 4, Tòhe đến hôm nay vẫn đứng vững và duy trì phần nào hoạt động. Bắt đầu tư duy nhiều hơn về khả năng thích ứng trong những hoàn cảnh bất định, hướng tới sự phát triển bền vững hơn, Tòhe chọn cách tiến hành chuyển đổi số và hướng mạnh đến các hoạt động trực tuyến.

Chị Vân chia sẻ, vốn là doanh nghiệp với sứ mệnh xã hội chăm sóc trẻ tự kỷ, việc chuyển hướng sang hoạt động trực tuyến ban đầu gây trở ngại lớn cho cả cô và trò ở Tòhe. Việc nhận biết và kiểm soát cảm xúc, nắm bắt tình trạng hiện tại của các bé thông qua màn hình rất khó khăn. Bởi vậy, khi các bé tham gia online ở khoảng thời gian đầu, phụ huynh sẽ phải theo dõi để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Chị Vân cho biết vấn đề lớp học online về cơ bản đã được giải quyết ở khoảng thời gian sau.

Trong mùa dịch, hoạt động giao tiếp với thế giới bên ngoài của các em ít đi, bởi vậy cần những hoạt động vừa giải tỏa căng thẳng vừa để các em trải nghiệm tại nhà qua những hình thức trao đổi online.: “Tòhe cố gắng truyền thông đến gia đình và mô phỏng hầu hết các hoạt động online giống như offline với sự hỗ trợ của phụ huynh. Nhờ vậy, vấn đề chuyển đối số trong mảng xã hội của chúng tôi dần được cải thiện”, chị Vân chia sẻ.

Tòhe đã tổ chức 1 chuỗi 8 workshop, mỗi workshop có khoảng 60 – 70 bạn trẻ tham gia, mục đích là mang lại sân chơi online cho các bạn. Bên cạnh đó, đối với những lớp đào tạo chuyên sâu, Tòhe tổ chức dạy 1-1 nhằm đảm bảo chất lượng của buổi học để học viên có thể nhận được kiến thức nhiều nhất.

Từ khía cạnh kinh doanh, Tòhe xác định lại nhóm khách hàng cần tập trung. Thay vì tập trung đều vào cả hai mảng B2B (Business To Business) và B2C (Business To Consumer), doanh nghiệp này chọn cách tập trung hơn với mảng B2B.

Nhìn nhận vào yếu tố thị trường, Tòhe nhận thấy doanh nghiệp lớn trong nước đang tìm kiếm các nhà cung ứng trong mảng thiết kế do chuỗi cung ứng ở nước ngoài của họ bị đứt gãy vì dịch bệnh. Nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp chú trọng phát triển các sản phẩm quà tặng dành cho doanh nghiệp lớn, chăm sóc nhóm B2B cũ, tìm kiếm các doanh nghiệp khách hàng mới.

Chuyển đổi số trong kinh doanh và thay đổi kế hoạch phát triển sản phẩm là cách mà Tòhe áp dụng để kháng cự những khó khăn. Thay vì cố gắng mở các cửa hàng vật lý nhằm tăng độ phủ như trước đây, Tòhe chuyển qua tập trung bán hàng trên mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử và tương tác tích cực trên website.

Tòhe đã đưa ra những phương án cụ thể để tăng độ nhận diện của doanh nghiệp trên kênh bán điện tử, đồng thời thúc đẩy các tệp khách lẻ sử dụng hình thức mua online nhiều hơn như freeship tất cả đơn hàng...

Giãn cách xã hội nhiều lần khiến các hoạt động trong nhà của mọi người diễn ra nhiều hơn, nhu cầu giao tiếp giữa bố mẹ và con cái cũng tăng. Bởi vậy doanh nghiệp bắt đầu phát triển sản phẩm đồ chơi giáo dục cho trẻ em, nhắm đến tâm lý vui chơi của trẻ và nhu cầu trao đổi thông tin giữa các thành viên trong gia đình.

Một mẫu thiết kế riêng cho doanh nghiệp của Tòhe. Nguồn: tohe.vn

Một mẫu thiết kế riêng cho doanh nghiệp của Tòhe. Nguồn: tohe.vn

Trao đổi với MEKONG ASEAN, chị Vân chia sẻ: “Việc chuyển đổi số và tập trung trải nghiệm online vẫn là xu hướng tất yếu dù đại dịch có kết thúc hay không. Do vậy, trong kế hoạch ngắn hạn sắp tới, Tòhe vẫn tập trung vào mảng online, bao gồm sân chơi nghệ thuật và kinh doanh của doanh nghiệp”.

Yếu tố quan trọng giúp Tòhe vượt qua đại dịch thành công đó chính là tầm nhìn và quyết định của lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp xã hội như Tòhe, nguồn tài chính khá hạn chế, bởi vậy luôn phải có nguồn dự trù cho hoạt động xã hội.

Theo chị Vân, Tòhe dành 51% lợi nhuận hằng năm để duy trì các hoạt động, các sân chơi nghệ thuật vẫn được triển khai như bình thường. Khi có dấu hiệu của đại dịch, mọi kế hoạch ấp ủ cho năm 2020 đều được Tòhe dừng lại hết, doanh nghiệp chỉ tập trung vào các vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, hạn chế đổ dòng tiền vào các kế hoạch không thực sự cần thiết trong thời gian hiện tại.

Bên cạnh đó, Tòhe không phải doanh nghiệp lớn nên việc chuyển đổi hình thức vận hành sẽ nhanh và linh hoạt hơn. Các kế hoạch ngắn hạn được đặt ra cũng góp phần vào việc khôi phục, duy trì và giúp doanh nghiệp phát triển hơn trong tình hình dịch bệnh. Chị Vân chia sẻ, kế hoạch dài hạn sẽ được Tòhe xây dựng khi những biến động của thị trường, của xã hội không còn quá lớn.

Đại dịch đặt lại yêu cầu đối với mọi doanh nghiệp. Nếu không đổi mới, không sáng tạo để bắt kịp sự thay đổi của bối cảnh, của thời đại thì doanh nghiệp sẽ không thể bước tiếp. Trước dòng chảy biến động của thị trường, đi theo lối mòn chính là con dao hai lưỡi làm tổn hại doanh nghiệp. Nếu không tìm hướng đi bền vững trong tương lai, khi đại dịch kết thúc cũng là lúc doanh nghiệp đã kiệt sức không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài các vấn đề về chiến lược, tầm nhìn, điều quan trọng nhất, theo những người điều hành Tòhe, tâm thế lạc quan của mỗi thành viên góp phần không nhỏ vào việc duy trì và giữ cho doanh nghiệp tiếp tục tồn tại trong khó khăn. Tòhe đặt cho mình một khẩu hiệu, 100% hồn nhiên.

Chị Vân chia sẻ, ra đời với sứ mệnh xã hội, trưởng thành cùng sứ mệnh xã hội, doanh nghiệp xã hội nói chung và Tòhe nói riêng luôn đặt lợi ích xã hội lên trên mọi lợi ích kinh doanh khác. Chính điều đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp tìm cách thoát khỏi “vòng xoáy đại dịch”, trở lại quỹ đạo phát triển.

“Tòhe được ra đời từ chính sự hồn nhiên, lạc quan của các bé, và cho đến giờ tinh thần đó vẫn được duy trì và tồn tại. Mối quan hệ giữa Tòhe và các bạn không chỉ là mối quan hệ một chiều mà đó là mối quan hệ hai chiều. Tòhe không chỉ mang đến sân chơi nghệ thuật, truyền cảm hứng sáng tạo cho các em mà còn nhận lại được năng lượng tích cực mà các bạn mang lại,” chị Vân nói.

Tinh thần hồn nhiên ấy được giữ xuyên suốt trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp cho mỗi một thành viên của Tòhe sẵn sàng đối mặt với khó khăn. “Khi đứng trước thách thức, tinh thần đổi mới, sáng tạo của Tòhe đã có một bước tiến xa hơn. Thách thức dù lớn đến đâu, Tòhe vẫn giữ vững niềm tin, tìm cách vượt qua đại dịch để tiếp tục với sứ mệnh xã hội mà mình theo đuổi,” chị Vân chia sẻ.

Đọc tiếp