Thủ tướng: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản là quan hệ chân thành, tin cậy

Việt-Nhật Hợp Tác
10:12 - 07/03/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 7/3. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 7/3. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về quan hệ hợp tác giữa các đối tác Nhật Bản tại Việt Nam trong 50 năm qua, đồng thời là tiền đề mở ra những tiềm năng mới giữa hai nước trong thời gian tới.

Ngày 7/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.

Đây là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản được thực hiện với tinh thần "Việt Nam – Nhật Bản hướng tới tương lai vươn tầm thế giới".

Theo Thủ tướng, quan hệ hợp tác hai nước đã không ngừng được củng cố phát triển đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt hợp tác kinh tế thương mại đầu tư xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng song phương.

Trong đó, có thể kể đến Hiệp định CPTPP ghi nhận nhiều đóng góp hiệu quả, đúng đắn phù hợp lợi ích của Việt Nam – Nhật Bản và các nước tham gia hiệp định. Bên cạnh đó còn có Hiệp định RCEP. Đây là những hành lang quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Về hợp tác ODA, Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho Việt Nam. Nhật Bản còn có những hoạt động ủng hộ mạnh mẽ về phát triển hạ tầng chiến lược – là một trong những động lực tăng trưởng lớn của Việt Nam.

Về hợp tác đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, tuy còn khiêm tốn những đã ghi nhận những nỗ lực trong hợp tác đầu tư hai nước.

Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Cùng với đó, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng, lên đến gần nửa triệu người. Điều này cho thấy, tiềm năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy mạnh.

Đặc biệt, sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam.

Nhìn nhận về quan hệ hợp tác giữa hai nước, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, ông cảm nhận được sự cam kết chia sẻ tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam.

"Đây là yếu tố quan trọng để hợp tác đầu tư hai nước trở nên hiệu quả và đi vào chiều sâu. Hy vọng sự hợp tác chân thành, tin cậy này sẽ tiếp tục sẽ phát triển trong thời gian tới vì lợi ích hai nước và hiệu quả của các nhà đầu tư”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phân tích sâu hơn về tiềm năng hai nước, Thủ tướng chỉ ra, Nhật Bản là cường quốc công nghiệp, dịch vụ trong khi đó Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và năng động, có thể phối hợp, tăng cường lẫn nhau.

Sau 30 năm đổi mới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã kiên trì đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, độc lập, tự chủ, trở thành đối tác quốc tế tin cậy. Tập trung phát huy động lực gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng kết hợp ngoại lực: vốn, công nghệ, quản trị…

Thế giới có nhiều biến động, mang tính toàn cầu, do đó Việt Nam xác định đề cầu chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế, thống nhất và đoàn kết. Do đó, theo Thủ tướng, để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước cần đi vào chiều sâu các vấn đề: Chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; hợp tác về năng lượng; đánh giá về hợp tác phát triển; đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.

“Với tinh thần hợp tác lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đảm bảo thành công bền vững. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác 2 nước sẽ tiếp tục được củng cố hiệu quả, thực chất hơn nữa”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cùng tán thành yếu tố chân thành, tin cậy hướng tới tương lại, ông Ichkawa Hideo, Cố vấn Tập đoàn Resonac Holdings, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật – Việt cho biết, Việt Nam từ năm 1986 đổi mới đã tích cực phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hạ tầng. Đến nay, Việt Nam đã là một quốc gia có tình hình chính trị - xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn đầu tư Nhật Bản hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Ichkawa Hideo, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật – Việt. Ảnh: VGP.

Ông Ichkawa Hideo, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật – Việt. Ảnh: VGP.

“Thông qua các hoạt động, Nhật Bản đã có nhiều hợp tác phát triển nền công nghiệp phụ trợ, phát triển nhân lực, đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa ở Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao sẽ là bước ngoặt mở ra nhiều triển vọng hợp tác, khám phá những tiềm năng mới giữa hai nước”, ông Ichkawa Hideo nhấn mạnh.

Nhân dịp này, 3 Đồng chủ tịch Sáng kiến chung Việt - Nhật: Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), đại diện Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) cùng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã ký Biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp