Thị trường bị 'đạp' mạnh phiên ATC, cổ phiếu ngân hàng đỏ lửa

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:35 - 23/09/2022
Thị trường bị 'đạp' mạnh phiên ATC, cổ phiếu ngân hàng đỏ lửa
0:00 / 0:00
0:00
Nếu như VN-Index được "cứu" trong ngày hôm qua nhờ nỗ lực của phiên ATC thì sang phiên hôm nay, ATC lại chính là trở lực khiến chỉ số kết phiên rơi mạnh hơn 11 điểm về sát mốc 1.200 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 23/9, VN-Index giảm 11,43 điểm (0,94%) xuống 1.203,28 điểm, HNX-Index giảm 1,2 điểm (0,45%) xuống 264,44 điểm, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,05%) lên 88,59 điểm.

Thị trường hôm nay chứng kiến diễn biến trái chiều giữa các nhóm ngành trước quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó, nhóm ngành bảo hiểm được cho là hưởng lợi lớn nhất nhờ các quyết định trên bởi công ty bảo hiểm có quy mô tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu rất lớn. Cổ phiếu ngành bảo hiểm đồng loạt bứt phá như MIG của Bảo hiểm Quân đội tăng trần lên 22.700 đồng hay BMI của Bảo Minh cũng kết phiên trong sắc tím tại 32.100 đồng. Các mã khác như VNR của Vinare, BVH của Bảo Việt hay ABI đều tăng mạnh.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu chứng khoán giao dịch tiêu cực khi SSI giảm 2,13%, VND giảm 2,37%, VCI giảm 3,26%, HCM giảm 2,57%, FTS giảm 1,49%, VIX giảm 3,07%. Riêng BSI gây bất ngờ khi tăng tới 6,38%.

Sắc đỏ cũng bao trùm các cổ phiếu bất động sản. Cụ thể, VHM giảm 0,87%, VIC giảm 1,11%, NVL giảm 0,12%, BCM giảm 1,46%, VRE giảm 0,52%, PDR giảm 1,55%, KBC giảm 0,34%, KDH giảm 0,48%, DIG giảm 3,02%, DXG giảm 3,88%, VCG giảm 2,33%, NLG giảm 1,39%.

Cổ phiếu bán lẻ và hàng không cũng nhuốm sắc đỏ khi MWG giảm 1%, PNJ giảm 0,09% và FRT giảm 1,5%; VJC và HVN lần lượt mất đi 1,91% và 1,35% giá trị.

Cổ phiếu năng lượng phân hóa hơn khi GAS tăng 1,35% còn POW, PGV và PLX giảm lần lượt 1,83%, 1% và 0,93%.

Đáng chú ý, thị trường hôm nay bị tác động xấu bởi cổ phiếu ngân hàng - nhóm bị ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng lãi suất - hầu hết giảm hơn 1% trong phiên. Trong đó VCB của Vietcombank gây tiêu cực nhất cho chỉ số với mức giảm 2,7% về 75.900 đồng, BID giảm 1,14%, VPB giảm 1,88%, TCB giảm 1,01%, CTG giảm 1,57%, MBB giảm 1,18%, HDB giảm 1,62%, EIB giảm 1%, STB giảm 2,28%, SHB giảm 1,87%, TPB giảm 1,18%, LPB giảm 1,78%. Ngược dòng có MSB và OCB với mức tăng lần lượt 0,29% và 1,55%.

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến thế nào?

Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh mới đây, các chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán thì vẫn là một kênh mà dòng vốn tiếp tục chảy vào nhiều. Hiện, thị trường đang giảm nhưng với mức định giá hấp dẫn sẽ dần ổn định.

Trong đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc FIDT nhận định, một số nhóm ngành hưởng lợi khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất huy động gồm nhóm tiền mặt nhiều, nợ ít, xuất khẩu thu ngoại tệ, bảo hiểm. Ngược lại, nhóm bị ảnh hưởng xấu như bất động sản, vật liệu xây dựng, quy mô nợ trên vốn chủ sở hữu cao...

Đồng quan điểm, ông Phan Linh, người sáng lập CTCP Take Profit Investment Holdings cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng ở một loạt trần lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 1 đến 6 tháng khả năng sẽ khiến tiền gửi bình quân 12 tháng của ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6.3-6.5%/năm vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn thấp hơn tương đối nhiều so với mức lợi tức thu nhập (E/P) của thị trường chứng khoán nói chung. Với mức P/E của VNindex ở thời điểm hiện tại khoảng 13 lần, tức là mức lợi tức thu nhập (E/P) tương đương khoảng 7.7%. Do đó, việc dòng vốn sẽ luân chuyển từ kênh đầu tư chứng khoán sang kênh tiền gửi ngân hàng là có xảy ra, tuy nhiên ảnh hưởng của nó không quá đáng kể.

Đọc tiếp