Tập trung vào phân khúc cà phê đặc sản để tối ưu giá trị cà phê Việt

cà phê Việt nAM
08:59 - 13/03/2023
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Cần xây dựng cà phê thành ngành hàng chất lượng cao. Ảnh: UBND Đắk Lắk.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Cần xây dựng cà phê thành ngành hàng chất lượng cao. Ảnh: UBND Đắk Lắk.
0:00 / 0:00
0:00
Các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất cà phê cho rằng, khai thác cà phê đặc sản đang là hướng đi nâng tầm giá trị cà phê Việt trên thị trường quốc tế, cần có các quy hoạch, cơ chế ưu đãi đẩy mạnh.

Theo thông tin của UBND Đắk Lắk, ngày 12/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh này và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 nhằm đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê chất lượng cao.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản.

Tại thị trường nước ngoài, cà phê đặc sản Việt Nam được giới thiệu tại các hội chợ cà phê đặc sản danh tiếng tại Mỹ, Italia, Hàn Quốc, Nhật thu hút được sự quan tâm của các nhà rang và bước đầu có những giao dịch thương mại thực tế.

Từ năm 2002, tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai chương trình cà phê bền vững có chứng nhận UTZ và sau đó lần lượt là 4C, RFA, FLO, gần đây là cà phê hữu cơ, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường cà phê thế giới.

“Từ đó, lô hàng cà phê nhân đặc sản Robusta 20 tấn từ Đăk Lăk được xuất khẩu sang Vương quốc Anh với giá gần gấp 3 lần giá cà phê thương mại. Đây được xem là dấu ấn đáng ghi nhận của những nỗ lực từ người sản xuất đến nhà xuất khẩu”, ông Minh nói.

Đắk Lắk tập trung chiến lược cà phê đặc sản.

Đắk Lắk tập trung chiến lược cà phê đặc sản.

Trước những thách thức khi cán cân cung cầu cà phê ngày càng thay đổi, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu MTV 2-9 Đắk Lắk cho biết, hiện nay tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam.

Trong khi, đây là một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình dài hạn để phát triển cà phê theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Để đạt được mục tiêu này, ông Huy đề xuất, quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn như giảm thiểu sử dụng nước, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu sản xuất và tiêu thụ.

“Đặc biệt, cần tập trung chế biến sâu để biến Tây Nguyên trở thành trung tâm cà phê của thế giới. Muốn vậy, cần phải xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống chế biến sâu từ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản”, ông Huy kiến nghị.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty 2-9 Đăk Lăk nêu ý tưởng về các cuộc thi cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao Việt Nam tầm quốc tế. Đồng thời, xây dựng một trung tâm đào tạo đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị cà phê từ khâu chọn giống, đào tạo canh tác, sơ chế, chế biến, rang xay, pha chế, logistic và các nghiệp vụ xuất khẩu.

Xây dựng câu chuyện về văn hóa cà phê Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn thực tế thương hiệu Starbucks đã biến ly cà phê giá chỉ có 2,3 cent thành sản phẩm cà phê 5 - 10 USD để nhận định rằng, ngoài yếu tố ứng dụng công nghệ, thì các yếu tố khác về văn hóa, xã hội, trải nghiệm, cảm xúc… cũng mang lại nhiều thú vị và giá trị cho cà phê.

Ảnh: UBND Đắk Lắk

Ảnh: UBND Đắk Lắk

"Ngành cà phê Việt Nam đang trên đà phát triển, vậy làm sao chúng ta tăng giá trị chất lượng cà phê, không chỉ ở chế biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng để đi vào đúng cảm xúc. Sau hội thảo này, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc chính thức với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng câu chuyện về văn hóa cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Để hiện thực hóa việc này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cùng với Bộ NN&PTNT tìm hiểu thị trường trong 5 - 10 năm nữa, để tạo ra dòng cảm xúc, nét văn hóa cho cà phê Việt Nam, từ đó đưa được sản phẩm cà phê đi khắp thế giới với giá trị tối ưu nhất.

“Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn. Thị trường đón nhận cà phê không chỉ ở câu chuyện chất lượng mà còn quá nhiều việc khác phải làm. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các hiệp hội, ngành hàng cà phê suy nghĩ thêm về câu chuyện văn hóa sản phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp