Số hóa nông nghiệp là thước đo mức độ bền vững quốc gia của Việt Nam

số hóa NÔNG NGHIỆP
17:51 - 26/05/2022
Ứng dụng công nghệ cao xây dựng nông nghiệp thông minh.
Ứng dụng công nghệ cao xây dựng nông nghiệp thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Xác định hàm lượng công nghệ là cơ sở gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản, các chuyên gia đều nhận định cần huy động nguồn lực, ứng dụng các công cụ số hóa nhiều hơn nữa vào hệ sinh thái nông nghiệp số Việt Nam.

Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022, nền nông nghiệp vốn được xác định có vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá là một trong những chủ thể của quá trình chuyển đổi số và cần được đẩy nhanh để bắt kịp xu hướng thế giới.

Người dân là trung tâm, doanh nghiệp là động lực chuyển đổi số nông nghiệp

Chia sẻ tại phiên tọa đàm “Nông nghiệp thông minh – xu hướng và giải pháp” chiều 26/5, ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ đã có dự thảo Đề án chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định đưa nông nghiệp, nông thôn trở thành một "trung tâm” đổi mới sáng tạo và tiên phong về ứng dụng hiệu quả các công nghệ số hiệu quả và bền vững, tích hợp đa giá trị.

Ảnh tác giả

“Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, trở thành thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Hiển nhấn mạnh 3 trụ cột được tập trung xây dựng: Phát triển Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế số nông nghiệp; phát triển nông thôn số và nông dân số.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định sẽ đảm bảo ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh hợp tác, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội để triển khai nhanh và bền vững quá trình chuyển đổi số tại khu vực này.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm làm cách mạng công nghệ nông nghiệp với Việt Nam, ông Gal Saf, Tham tán kinh tế, Thương vụ Israel tại Việt Nam cho biết, từ thực tế không có sự ưu đãi của thiên nhiên, Israel luôn khao khát xây dựng nền nông nghiệp trù phú, tự túc với mục tiêu tạo ra nhiều thực phẩm hơn nhưng cần ít tài nguyên nước, đất, năng lượng cũng như ít nhân lực và hóa chất hơn.

Đây là lý do mà Israel chú trọng rất nhiều vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Gal Saf cho rằng, điều quan trọng nhất cần nhắc đến để nhiều hàm lượng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đó là chi phí.

Ảnh tác giả

“Tuy nhiên Chính phủ Israel chỉ chi một nửa số kinh phí đó, hơn 50% còn lại được huy động từ các mạng lưới đổi mới sáng tạo nước ngoài. Theo tôi đây có thể là một trong những kinh nghiệm để Việt Nam áp dụng vào quá trình chuyển đổi số nông nghiệp và đạt thành công”.

Ông Gal Saf, Tham tán kinh tế, Thương vụ Israel tại Việt Nam

Gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu thông qua nông nghiệp thông minh

Cũng tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm từ một địa phương có tiềm năng lớn về nông nghiệp, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cơ hội cho thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn, nhưng nếu không tranh thủ những cơ hội hiện có qua các hiệp định thương mại tự do để gia tăng giá trị nông sản, thì rất có thể Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ của các nước.

“Chìa khóa giải bài toán ở đây là nông nghiệp nông thông minh. Muốn xây dựng được nền nông nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cần có sự phát triển lần lượt của các thiết bị công nghiệp: thiết bị điện; công nghệ đèn led; công nghệ nhà kính, thủy canh, khí canh; thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp; công nghệ quản trị tài chính thông minh và cao nhất là trí tuệ nhân tạo”, ông S liệt kê.

Đặt vấn đề tại hội thảo, tiếp cận như thế nào với định hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới mà cần kịp thời đón đầu xu hướng này.

Ảnh tác giả

“Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số trong nông nghiệp và các doanh nghiệp sử dụng cần theo sát định hướng, chủ trương của Bộ NN&PTNT để có kế hoạch sản xuất cũng như các sản phẩm công nghiệp phù hợp với định hướng đề án chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn”.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

“Chính phủ đưa ra những chính sách định hướng, các cơ quan bộ/ngành Trung ương địa phương cần hướng dẫn cụ thể cách tiếp cận. Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp, tích cực đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng công nghệ mới sẽ là những yếu tố để xây dựng nông nghiệp thông minh của Việt Nam”, ông Phạm S đề xuất.

Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Trên cơ sở các kinh nghiệm được chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại tọa đàm, trao đổi với MEKONG ASEAN, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia của Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp nông nghiệp gặp phải trong công cuộc chuyển đổi số là công nghệ.

“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cả 2 bên cùng có lợi, khi các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ mong muốn có lợi nhuận nhiều mà người nông dân cũng cần một lợi nhuận thỏa đáng cho các sản phẩm nông nghiệp của mình”, ông Lạng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, theo ông Lạng, thể chế, chính sách động lực hỗ trợ cho chuyển đổi số nông nghiệp cho nông dân hay các doanh nghiệp còn chưa đủ mạnh, khiến cho cuộc cách mạng số hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.

Trong giai đoạn thị trường đang có sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ về thị phần sản phẩm của mình, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ sẽ tung ra nhiều app, nền tảng khác nhau gây bối rối cho người sử dụng. Do vậy, cần tạo ra một sân chơi bình đẳng để sự cạnh tranh đó có thể đi đến được một kết quả tốt nhất, phù hợp và tối ưu chi phí nhất đối với chuyển đổi số Việt Nam.

Để làm được điều này, ông Lạng cho rằng, cần xây dựng một bảng phân hạng do một cơ quan phi Chính phủ hay một Bộ/ngành hay một hiệp hội đứng ra lựa chọn và đưa ra những lời khuyên xác thực nhất.

Ảnh tác giả

“Tôi cho rằng vai trò hiệp hội là rất quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bối rối hiện nay. Ngoài ra, cũng cần có những hỗ trợ từ các diễn đàn doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số cho nông nghiệp, nông thôn”.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia của Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế

“Cùng với đó, sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ, chuyên gia pháp lý, chuyên gia thị trường là rất quan trọng. Bởi số là một loại tài sản nếu không có sự bảo đảm sở hữu một cách đầy đủ sẽ dẫn đến vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu số và nguy cơ mất đi giá trị tài sản số này”, chuyên gia Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế lưu ý.

Ông Lạng cũng đánh giá chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn 2.0 hoặc 3.0, do đó còn nhiều dư địa cho sự phát triển với nhiều giá trị chưa được khai thác. Nói một cách hình ảnh hơn, theo lời bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) thì “chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn là một cách đồng hoang”.

Còn theo chuyên gia Viện Thương mại và Kinh tế Nguyễn Thường Lạng, để cải tạo “cánh đồng hoang” này, khâu đánh giá tác động của thị trường số hóa với giá trị ngành nông nghiệp sớm tiến hành ngày nào tốt ngày đó. Một trong những kết quả có thể dễ nhận ra nhất là giá trị của chuyển đổi số mang lại sẽ rất lớn, với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sự nhân loại.

“Yêu cầu đặt ra là cần có sự vào cuộc nhanh chóng của hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa ra các sản phẩm công nghệ cao, các mô hình sản xuất kinh doanh mới và hệ thống kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, các thể chế chính sách, định hướng kịp thời, phù hợp cũng rất cần thiết cho các doanh nghiệp. Đi cùng với đó, nguồn nhân lực có khả năng nắm bắt cơ hội cũng là một yếu tố không thể thiếu. Đây sẽ là các động lực lớn để quá trình chuyển đổi số nông nghiệp của Việt Nam tiến xa hơn nữa”, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp