Ra mắt mạng lưới phóng viên nữ hành động chống rác thải nhựa

môi trường Việt nAM
19:19 - 18/05/2022
Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" là đại diện duy nhất tại Việt Nam nhận tài trợ của EJN. Ảnh: Phương Thảo
Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" là đại diện duy nhất tại Việt Nam nhận tài trợ của EJN. Ảnh: Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên 81kg/người/năm và 70% trong số đó trở thành rác thải. Theo các chuyên gia, thực trạng này khiến số hạt vi nhựa mà mỗi người có nguy cơ nuốt phải đang ở mức đáng báo động. 

Sáng 18/5, tại Hội thảo ra mắt Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức, ông Nguyễn Đức Vinh, Chủ tịch Mạng lưới Nhựa và Sức khỏe (PHA) cho biết, theo nghiên cứu của Trường đại học Khoa học tự nhiên (VNU) năm 2020, chất thải nhựa và túi nilong thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Trong đó, chỉ có 10% số rác thải nhựa được tái chế sử dụng. Chất thải nhựa chiếm 8 – 10% chất thải rắn trong sinh hoạt của TP Hà Nội và TP HCM. Mỗi ngày, 2 thành phố này thải ra 80 tấn túi nilong và đồ nhựa các loại.

Trích số liệu từ báo cáo “Đầu vào chất thải nhựa từ đất liền ra đại dương được theo dõi từ 2010 – 2015 của Jambeck, ông Vinh cho rằng, ước tính khối lượng chất thải nhựa đã đi vào đại dương là 4,8 triệu tấn – 12,7 triệu tấn trên tổng số 275 triệu tấn nhựa sản xuất từ 192 quốc gia ven biển vào năm 2010. Theo ông Vinh, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm.

Mạng lưới phóng viên nữ cùng các chuyên gia của dự án. Ảnh: BTC

Mạng lưới phóng viên nữ cùng các chuyên gia của dự án. Ảnh: BTC

Tại Việt Nam, chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa đang gia tăng do xu hướng sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Việt Nam của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xác định mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên 81 kg/người/năm và 70% trong số đó trở thành rác thải.

“Điều này cho thấy việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và có những hành động cụ thể càng trở nên cấp thiết”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đây cũng là tiền đề để Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức xây dựng "Mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" tại Việt Nam, nhằm góp phần thay đổi nhận thức về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng trầm trọng.

Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa; đồng thời tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc VSF

Xuất phát từ bối cảnh này, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã thiết kế và đưa vào triển khai dự án với mong muốn sẽ trở thành cầu nối giữa các phóng viên với các bên liên quan để cùng lên tiếng thay đổi nhận thức và thực hành của xã hội về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.

Thông tin về những nội dung mà dự án hướng tới trong thời gian tới, bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc VSF cho rằng, sự tham gia của các phóng viên trong việc sản xuất các tin, bài về môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nhưng trên thực tế, nhiều phóng viên nữ chưa có được cơ hội tham gia bình đẳng trong lĩnh vực điều tra về môi trường.

Là một trong những nhà tài trợ và đồng hành cùng dự án, bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông Ngân hàng Bắc Á chia sẻ với MEKONG ASEAN về mong muốn thông qua dự án sẽ có thể lan tỏa những thông điệp tốt đẹp về việc làm thế nào để phát triển bền vững và phát triển phải gắn với việc nâng cao ý thức mỗi người.

Bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông Bắc Á Bank

“Bắc Á Bank chọn đồng hành cùng dự án với thông điệp gửi đến các doanh nghiệp, các đối tượng liên quan hãy định hướng con đường phát triển chậm mà chắc, không phát triển bằng sự đánh đổi các giá trị môi trường để mang lại hạnh phúc cho con người và những thế hệ sau”.

Bà Hằng cho biết, ngoài việc là một ngân hàng thông thường cho vay và huy động vốn, ngân hàng Bắc Á còn tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, y tế, giáo dục.

“Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không phải vấn đề nhỏ mà là chủ trương của Chính phủ gắn phát triển kinh tế với phát triển bền vững, không chọn chỉ phát triển kinh bất chấp mà xâm phạm tính bền vững của môi trường”, Giám đốc Truyền thông của Bắc Á Bank nhấn mạnh.

Các hoạt động chính của dự án gồm: Thành lập Mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; tập huấn, tọa đàm các kiến thức chung về môi trường và kỹ năng điều tra về nhựa và ô nhiễm nhựa; thực hiện các chuyến thực địa tìm hiểu về mô hình phát triển bền vững của các doanh nghiệp cho Mạng lưới phóng viên nữ.

Bên cạnh đó còn có triển khai gói tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật cho phóng viên nữ để thực hiện các báo cáo về môi trường; tổ chức diễn đàn đối thoại về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; thực hiện chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; giải thưởng vinh danh “Phóng viên nữ tiên phong vì môi trường 2022”.

Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" nhận được sự đồng hành và tài trợ của Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam; sự đồng hành và phối hợp triển khai của Viện Chiến lược Chính sách và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).

Tin liên quan

Đọc tiếp