An ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến kinh tế như thế nào

asean THẾ GIỚI
16:47 - 25/04/2024
Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại Vũ Duy Thành phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung /Mekong ASEAN.
Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại Vũ Duy Thành phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung /Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) Vũ Duy Thành, các thách thức an ninh phi truyền thống trên thế giới đang tác động trực tiếp đến sự ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiều ngày 25/4, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền hội nhập, UNESCO và ASEAN. Tại sự kiện, nhận định về bối cảnh thế giới hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại Vũ Duy Thành cho rằng, hiện nay thế giới đang phát triển theo hướng đa cực, đa trung tâm hóa với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, và đi liền là các nhân tố bất ổn tương đối nhiều.

Theo ông Thành, các điểm nóng xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas, Biển Đỏ… nổi lên ngày càng nhiều. Cục diện của thế giới hiện nay có tác động lớn đến an ninh và phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước vừa và nhỏ, các nước có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm và là nơi thường xuyên xảy ra cạnh tranh chiến lược như khu vực Đông Nam Á.

Trên nền bối cảnh đó, ông Thành cho rằng tình hình thế giới nổi lên với 5 điểm chính. Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có lẽ rất khốc liệt, gay gắt, thậm chí gay gắt nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Chiều ngày 25/4 Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền hội nhập, UNESCO và ASEAN. Ảnh: Lê Hồng Nhung /Mekong ASEAN.

Chiều ngày 25/4 Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền hội nhập, UNESCO và ASEAN.

Ảnh: Lê Hồng Nhung /Mekong ASEAN.

Thứ hai là vấn đề xung đột, kể cả xung đột trực tiếp, gián tiếp, ủy nhiệm đều tăng nhanh chóng và chưa từng thấy trong giai đoạn hiện nay. “Điều đó dẫn đến chi tiêu quốc phòng, thậm chí là mầm mống chạy đua vũ trang diễn ra rất nhanh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023 chi tiêu quốc phòng của thế giới là trên 2.400 tỷ USD,” ông Thành cho biết.

Thứ ba là ảnh hưởng bởi an ninh phi truyền thống. Ông Thành nhận định: “Thách thức an ninh phi truyền thống chưa bao giờ gay gắt và thách thức như hiện nay. Đơn cử, biến đổi khí hậu nếu không được kiềm chế thì đến trước năm 2030 mức độ thiệt hại của biến đối khí hậu gây ra có thể lên tới 3.000 – 3.100 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Riêng với Việt Nam, hậu quả của biến đổi có thể chiếm 1,5% GDP”.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 60% lượng thủy hải sản của Việt Nam, đang chịu tác động lớn do hạn mặn khi tần suất và cường độ năm nay mạnh hơn rất nhiều so với các năm trước.

“Thách thức an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế xã hội, đằng sau là ổn định chính trị của đất nước,” ông Thành nhận định.

Thứ tư, kinh tế thế giới hiện nay đối mặt với bất trắc với nhiều cơn gió ngược hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong gia tăng điểm nóng trên thế giới thời gian qua như xung đột Israel, Biển Đỏ, Nga – Ukraine…

“Riêng vấn đề Biển Đỏ, khi Houthi tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ đã đẩy chi phí bảo hiểm về tàu rủi ro chiến tranh lên gấp khoảng gần 10 lần. Đối với Việt Nam, chi phí chở hàng đến địa bàn phải đi qua Biển Đỏ đội lên rất nhiều. Ví dụ, một container cuối năm 2023 có chi phí là 750 USD/container, đến quý 1/2024 con số này đã lên mức 6.000 – 6.500 USD/container. Điều này đánh trực tiếp vào túi tiền của doanh nghiệp, địa phương và đằng sau là người dân,” ông Thành chia sẻ tại sự kiện.

Thứ năm, theo ông Thành, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang khẳng định vai trò động lực của kinh tế cũng như chính trị thế giới. Nhưng đồng thời khu vực này cũng nổi lên nhiều điểm nóng tác động ngay và trực tiếp đến an ninh và sự phát triển của Việt Nam.

Cụ thể, trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 4 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Điều này cho thấy trọng tâm, sức nặng kinh tế thế giới của khu vực. Tuy nhiên, khu vực cũng nổi lên nhiều điểm nóng như vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông, bán đảo Triều tiên….

Tại sự kiện, ông Thành cũng chia sẻ về 5 chủ trương, định hướng lớn thời gian tới trong triển khai đối ngoại của Việt Nam. Bao gồm, đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt với các nước láng giềng, nước lớn, các nước có ảnh hưởng đến an ninh, vị thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy nhanh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện nay, Việt Nam và Singapore là các quốc gia có nhiều FTA nhất trong số các thành viên ASEAN, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn.

Đồng thời đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước; công tác đối ngoại phối hợp với quốc phòng, an ninh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước...

Đọc tiếp