Nửa đầu tháng 3, xuất khẩu sắn mang về hơn 50 triệu USD

Sắn XUẤT KHẨU
10:32 - 26/03/2023
Nửa đầu tháng 3, xuất khẩu sắn mang về hơn 50 triệu USD
0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu 126.542 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 50,4 triệu USD, giảm lần lượt 37% về lượng và 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả trên, sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3/2023.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 829.962 tấn, tương ứng 318,25 triệu USD, tăng lần lượt 16% về lượng và 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng và trị giá sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất với 659.840 tấn, tương ứng 248,14 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thông tin tại bản tin nông, lâm, thủy sản tháng 3 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc trong tháng 2/2023 ở mức 370,8 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 1/2023, nhưng lại tăng 8,2% so với tháng 2/2022.

Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc qua các tháng năm 2021 - 2023 (USD/tấn). Nguồn: Theo bản tin nông, lâm, thủy sản tháng 3.
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc qua các tháng năm 2021 - 2023 (USD/tấn). Nguồn: Theo bản tin nông, lâm, thủy sản tháng 3.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu vẫn là tinh bột sắn và sắn lát khô.

Dự báo tháng tới, nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn.

Năm 2023, trong bối cảnh nguồn cung và giá của ngô, lúa mì đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình chiến sự ở Ukraine, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Dự báo Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất cho sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp hơn so với xuất khẩu tới các thị trường khác.

Đọc tiếp