Nhóm thủy sản ‘nổi sóng’, vốn hóa của VNG ngấp nghé 1 tỷ USD

THỦY SẢN VN INDEX
16:49 - 09/02/2023
Lực mua có những thời điểm gia nhập mạnh mẽ nhưng kết phiên bên bán vẫn thắng thế.
Lực mua có những thời điểm gia nhập mạnh mẽ nhưng kết phiên bên bán vẫn thắng thế.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index lại có một phiên giảm điểm do lực kéo từ các cổ phiếu lớn. Nhóm thủy sản “nổi sóng” với nhiều thông tin hỗ trợ, cổ phiếu của VNG vẫn miệt mài tăng trần.

VN-Index kết phiên ngày 9/2 ở mốc 1.064,03 điểm, giảm hơn 8 điểm so với kết phiên hôm qua. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM đều tăng điểm nhẹ.

Thanh khoản toàn thị trường giảm xuống dưới 10.000 tỷ đồng. Riêng khối ngoại đã chiếm gần 3.000 tỷ đồng nhưng lực mua ròng yếu, chỉ gần 20 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Khối ngoại miệt mài gom STB, HPG

STB tiếp tục được mua ròng mạnh gần 290 tỷ đồng. Từ phiên giao dịch đầu tuần đến nay, cổ phiếu này liên tục đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại.

Việc nhà đầu tư nước ngoài gom vào cổ phiếu của ngân hàng Sacombank đã được duy trì trong quãng thời gian dài. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, STB đã được mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau HPG.

Trước đó, trong năm 2021 và năm 2022, khối ngoại đã mua ròng lần lượt 4.200 tỷ đồng và 4.600 tỷ đồng STB.

Sau khi đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng STB trong vòng 3 năm, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank đã đạt gần 29%, gần lấp kín tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm này.

Trở lại với giao dịch của khối ngoại hôm nay, ngoài STB, họ cũng tiếp tục gom vào HPG với giá trị 32 tỷ đồng. Hai mã chứng khoán đầu ngành là HCM và SSI lần lượt được mua ròng 26 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.

Ngược lại, BCM dẫn đầu chiều bị bán ròng với giá trị 86 tỷ đồng. Tiếp sau là VHM 61 tỷ đồng, VNM 55 tỷ đồng, VIC 38 tỷ đồng, MSN 24 tỷ đồng, DGC 20 tỷ đồng.

Ngành cá tra vẫn nhiều triển vọng

VN-Index bị kéo xuống bởi các bluechip, chỉ số VN30 giảm hơn 13 điểm. Trong đó, VHM tác động tiêu cực nhất với mức giảm 2,8%.

Các mã đầu ngành ngân hàng như BID, CTG, STB, TCB, VCB đều giảm trên dưới 2%. Giảm mạnh còn có VJC của hãng hàng không Vietjet -5,6%.

Chiều tăng có PLX tăng mạnh nhất với tỷ lệ chỉ 1,9%. BCM, BVH, GAS, GVR, MBB, VPB tăng không đáng kể.

Với lực bán tập trung vào các mã bluechip, các nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép. Tuy nhiên vốn hóa mỗi nhóm chỉ giảm trên dưới 1%, không nhiều cổ phiếu có biến động lớn.

Ngược lại, dòng tiền vẫn tìm đến các mã nhỏ và giao dịch tích cực nhất ở 2 nhóm thủy sản và dầu khí. Nhóm thủy sản tăng 4,4% vốn hóa nhờ ACL, ANV, CMX, IDI đồng loạt tăng trần. VHC tăng gần 4% trong khi FMC cũng tăng hơn 3%.

Việc 23 doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt xuất khẩu thủy sản vào thị trường tỷ dân cộng thêm kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022 là những thông tin hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 4/2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm. Tuy nhiên so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.

VNZ lập kỷ lục mới

Về cổ phiếu riêng lẻ, sức nóng vẫn lan tỏa ở mã VNZ của CTCP VNG với phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp, với kịch bản quen thuộc là chỉ khớp lệnh 100 đơn vị.

Phiên tăng 9/2 giúp VNZ lập thêm một kỷ lục mới khi trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử có phiên tăng trên 100.000 đồng/cp. Kỷ lục cũ thuộc về chính cổ phiếu này khi tăng 96.000 đồng (+40%) trong phiên đầu tiên có giao dịch khớp lệnh vào ngày 1/2.

Chốt phiên ở mức giá 776.900 đồng/cp, VNZ đã củng cố vững chắc vị trí số một về thị giá trên sàn chứng khoán, bỏ xa phần còn lại; đẩy vốn hóa thị trường của VNG lên mức xấp xỉ 1 tỷ USD, gấp 3 lần thời điểm chào sàn.

Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến.

Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao "ngất ngưởng" khi Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.

Tin liên quan

Đọc tiếp