Nga không cố gắng giảm lạm phát để các doanh nghiệp học cách thích nghi

KINH TẾ NGA
08:28 - 19/04/2022
Ngân hàng Trung ương Nga
Ngân hàng Trung ương Nga
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 18/4, Nga cho biết không loại trừ khả năng cắt giảm thêm lãi suất, đồng thời gia tăng chi tiêu ngân sách giúp nền kinh tế thích ứng với các lệnh trừng phạt toàn diện từ phương Tây khi nước này đang trên đà tiến thẳng tới mức suy thoái sâu nhất kể từ 1994.

Theo Reuters, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 tại Ukraine, Nga đã trở thành mục tiêu của hơn 6.000 lệnh cấm vận từ phương Tây - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử. Dù đồng ruble đã phục hồi và nước này phần nào ổn định được thị trường tài chính, Nga vẫn phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng vọt, dòng vốn chảy ra và khả năng vỡ nợ. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Nga có khả năng sẽ sụt giảm hơn 11% trong năm nay.

Do đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên gấp đôi ở mức 20% hôm 28/2 khi làn sóng trừng phạt xảy ra. Sau đó, nước này đã cắt giảm lãi suất xuống còn 17% hôm 8/4. Trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 29/4, mức lãi suất được dự kiến sẽ còn hạ thấp hơn nữa.

Theo thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga bà Elvira Nabiullina, Nga cần có khả năng hạ thấp lãi suất cơ bản nhanh hơn, đồng thời tạo điều kiện để tăng khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đồng tình với nhận định này khi phát biểu hôm 18/4 rằng Nga nên sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản khi hoạt động cho vay suy yếu.

Thêm vào đó, bà Nabiullina khẳng định dù lạm phát ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2002, Ngân hàng Trung ương "sẽ không cố gắng hạ thấp nó bằng bất kỳ cách nào. Nguyên nhân là do điều này sẽ cản trở việc thích nghi của các doanh nghiệp trong điều kiện mới. Do đó, các doanh nghiệp Nga sẽ bị đặt trong bối cảnh phải tự thích nghi với tình hình.

Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Reuters

Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Reuters

Bà Nabiullina giải thích các lệnh trừng phạt mới chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nhưng bây giờ chúng sẽ bắt đầu ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các vấn đề chính mà Nga phải đối mặt sẽ liên quan đến các hạn chế nhập khẩu và logistics ngoại thương. Trong tương lai, nước này sẽ còn phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu.

Do đó, các công ty Nga sẽ cần tìm cách thích ứng với các điều kiện thị trường mới này. Các nhà sản xuất Nga sẽ phải tìm các đối tác mới hoặc chuyển sang sản xuất sản phẩm của các thế hệ trước. Các nhà xuất khẩu cũng sẽ cần tìm kiếm các đối tác cùng các thỏa thuận logistics mới và "tất cả những điều này sẽ cần có thời gian".

Theo bà Nabiullina, lạm phát tăng đột biến hiện nay là do nguồn cung thấp cùng nhu cầu không cao. Do đó khi phát biểu tại Hạ viện, bà cho biết Ngân hàng Trung ương đặt mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về mức 4% vào năm 2024 khi nền kinh tế thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thời kỳ nền kinh tế Nga có thể tồn tại bằng nguồn dự trữ tiền tệ là hữu hạn, vì vậy nước này sẽ cần suy tính cẩn thận về các bước đi sau này song song với việc thực hiện các hành động pháp lý đối với việc các nước phương Tây phong tỏa vàng, ngoại hối và tài sản thuộc về các cư dân Nga. Các lệnh trừng phạt cũng đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong số 640 tỷ USD mà nước này có trong kho dự trữ vàng và ngoại hối.

Để phần nào ổn định lại thị trường, hồi tháng 2 Nga đã ra lệnh cho các công ty xuất khẩu, bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới là Gazprom và Rosneft, bán 80% doanh thu ngoại hối của họ trên thị trường do khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ của ngân hàng trung ương bị hạn chế.

Theo nhận định của các nhà phân tích thuộc Promsvyazbank, các bình luận từ phía bà Nabiullina "trực tiếp hay gián tiếp nhằm ngăn chặn đồng Ruble trở nên ổn định hơn".

Bất chấp những bất lợi, đồng tiền của Nga vẫn tăng giá vững chắc hôm 18/4 so với đồng Euro và USD. Động thái này nằm trong dự đoán do nó được hỗ trợ bởi các khoản thanh toán thuế sắp tới của các công ty tập trung vào xuất khẩu. Nguyên nhân tới từ việc các công ty này sẽ phải chuyển đổi doanh thu ngoại hối sang đồng ruble để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của mình.

Đọc tiếp