Năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
10:37 - 10/10/2022
Tại sự kiện 'Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022'- Ảnh: VGP
Tại sự kiện 'Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022'- Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 10/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Ngày 10/10 năm nay đánh dấu cột mốc quan trọng khi đây là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” tập trung vào việc phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như thúc đẩy toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số.

Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực như dịch vụ công trực tuyến ngày càng triển khai hiệu quả; nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; nhiều hạ tầng số, nền tảng số phát triển và được tăng cường đầu tư; an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng và tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Qua đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…

Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phát động Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.

Đồng thời, cũng là cơ hội cho doanh nghiệp giới thiệu với người dân biết đến những sản phẩm, dịch vụ số do các doanh nghiệp cung cấp, từ đó kích thích tiêu dùng số, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

Đọc tiếp