Năm 2050, Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây

logistics Đà nẵng
15:24 - 16/05/2023
Cảng Đà Nẵng. Nguồn: Da Nang Port.
Cảng Đà Nẵng. Nguồn: Da Nang Port.
0:00 / 0:00
0:00
Theo tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ khẳng định vai trò cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải Châu Á - Thái Bình Dương.

TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics thành phố kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Đề án, mục tiêu cụ thể từ 2023 đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt từ 11% đến 12%. Các trung tâm logistics tại TP Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Tầm nhìn từ 2030 đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 15%; Các trung tâm logistics tại TP Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Đề án này là phát triển TP Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong đó, cảng biển Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các nước ASEAN và quốc tế.

Đề án cũng đặt ra đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại, có cấu trúc rõ ràng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics quốc tế; Khẳng định vai trò cảng cửa ngõ quốc tế của Đà Nẵng tại khu vực miền Trung, trở thành cửa ngõ chính ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á - Thái Bình Dương.

Địa phương cũng sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của thành phố đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo đề án, thành phố sẽ phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; Tăng sức cạnh tranh để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và thế giới;

Phát triển và cải thiện chất lượng dịch vụ hiện có để tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên biệt; Ưu tiên hình thức hợp tác công - tư đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trung tâm logistics theo quy hoạch tại cảng Liên Chiểu, và các trung tâm logistics khác theo quy hoạch đã được duyệt.

Cuối năm 2022, thành phố đã khởi công dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố.

Dự án gồm đê và kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU.

Tin liên quan

Đọc tiếp