Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến với 20 dự án luật, nghị quyết

QUỐC HỘI Việt nAM
15:37 - 10/04/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc Kỳ họp thứ 5 vào ngày 22/5, bế mạc vào ngày 20/6/2023. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tổ chức kỳ họp thành 2 đợt đảm bảo chất lượng tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trình bày Báo cáo Tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội XV diễn ra sau Hội nghị Trung ương nhằm kịp thời triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng. Mặc dù kỳ họp được tổ chức trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp, nhưng vẫn được tổ chức khoa học, hợp lý và bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy trình, thủ tục Nội quy kỳ họp.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp bất thường đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra; Quốc hội đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước.

"Việc tiến hành bầu Chủ tịch nước đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Hồ sơ tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị chất lượng; các thông tin liên quan đến nhân sự được chuẩn bị rõ ràng, cung cấp kịp thời, tạo thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đảm nhận vị trí quan trọng của đất nước", Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: quochoi.vn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: quochoi.vn

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai, ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào thứ Ba, ngày 20/6/2023 và dự phòng ngày 21/6/2023.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã dự kiến chương trình chi tiết, trong đó đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)...

Đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật được nhân dân quan tâm gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cân nhắc chia chương trình kỳ họp thành 2 đợt

Góp ý về nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ thống nhất kỳ này sẽ họp tập trung nhưng đề xuất tổ chức thành 2 đợt, dành một tuần giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án luật, nghị quyết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị nên cân nhắc bố trí chia chương trình kỳ họp thành 2 đợt, cách nhau khoảng 1 tuần và cân nhắc tính toán thời gian các nội dung về công tác lập pháp, để các cơ quan của Quốc hội có thời gian nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý thì đảm bảo chất lượng và thấu đáo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu góp ý dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ủng hộ phương thức tổ chức kỳ họp theo 2 đợt, trong đó có một tuần để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt hơn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thống nhất bố trí, sắp xếp từng nội dung phù hợp và việc chia kỳ họp thành 2 kỳ; riêng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bên cạnh thảo luận tổ, đề nghị bố trí 1 ngày thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình với việc bổ sung chương trình kỳ họp nhưng lưu ý dự án luật nào đã rõ, đã chín, đủ hồ sơ mới đưa vào chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận về thời gian, công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp hết sức quan trọng, trọng tâm công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với những kỳ họp bình thường.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong số những nội dung này có 6 dự án luật đã được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về cơ bản cũng đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao.

Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các cơ quan liên quan về vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ các dự án.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung thì tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Nêu rõ, dự kiến thời gian của Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khá dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về cách bố trí thời gian, cách thức tổ chức kỳ họp để có được kết quả tốt nhất.

Đọc tiếp