Không còn "đẻ trứng vàng", ngân hàng gấp rút bán công ty tài chính?

TÀI CHÍNH Việt nAM
17:04 - 11/11/2021
Không còn "đẻ trứng vàng", ngân hàng gấp rút bán công ty tài chính?
0:00 / 0:00
0:00
Là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính đang chậm lại, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Bức tranh kết quả kinh doanh nhóm công ty tài chính trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 bắt đầu chuyển sang tông màu xám làm chủ đạo. Bên cạnh đó, liên tục các thương vụ "bán con" của các ngân hàng được công bố trong thời gian gần đây. Vậy phải chăng hai diễn biến này đang có mối quan hệ nhân - quả?

Công ty FE Credit mới công bố kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng với doanh số giải ngân đạt 42.000 tỷ đồng, giảm đến 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) của FE Credit trong 9 tháng đạt 11.900 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng.

Được biết, tại kỳ 6 tháng đầu năm 2021, FE Credit báo lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng. Như vậy FE Credit đã lỗ khoảng 300 tỷ đồng trong quý 3/2021, đây là lần đầu tiên công ty tài chính này báo lỗ sau 11 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay.

Tương tự, công ty HD Saison cũng báo lợi nhuận quý 3/2021 đạt 205 tỷ đồng, thấp hơn mức 218 tỷ đồng mức thực hiện trong cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng tài sản của HD Saison là 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15,8 nghìn tỷ đồng cuối quý 2 và 16,1 nghìn tỷ hồi đầu năm nay.

Cũng không tránh khỏi tác động của dịch bệnh, riêng trong quý 3/2021, doanh thu của công ty MCredit đạt 1.022 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý liền trước.

Nhìn chung, thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại 12 công ty tài chính tiêu dùng thành viên cho biết, đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ tín dụng các công ty tài chính đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu bình quân đang tăng mạnh lên mức 9-10%, trước đó vào thời điểm cuối năm 2020 tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 6%.

Trong khi trên dòng chảy thông tin, ngày càng xuất hiện nhiều thương vụ "bán con" của các ngân hàng thương mại. Gần đây nhất, khi chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đã tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng vốn của Công ty Tài chính FCCOM trong tháng 11/2021.

Trước đó, VPBank chính thức hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho đối tác là công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Hay xa hơn, Techcombank và MBBank cũng đều bán đi 50% vốn các công ty tài chính của mình.

Với xu hướng dịch chuyển vốn sở hữu trên, thị trường xuất hiện câu hỏi: Phải chăng do làm ăn thua lỗ nên các ngân hàng đều muốn bán công ty tài chính?

Thật ra, với tiềm năng của thị trường có hơn 98 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn như tại Việt Nam, các ngân hàng đều hiểu rằng, hoạt động kinh doanh chậm nhịp của các công ty tài chính chỉ trong ngắn hạn, một khi khó khăn qua đi, tín dụng tiêu dùng sẽ lại bùng nổ.

Trong quá khứ điều này đã xả ra. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam từng trải qua giai đoạn “đóng băng” vào cuối năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu nhen lên và lan rộng. Thời điểm đó, để thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả sức mạnh từ tín dụng tiêu dùng, thông qua việc gỡ bỏ trần lãi suất. Nhờ vậy, tín dụng tiêu dùng đã có giai đoạn “vàng” 2013-2019 với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 35%/năm.

Nhìn ra điểm bùng nổ trước mắt, các công ty tài chính buộc phải nhanh chóng tìm mọi cách tái cơ cấu, củng cố năng lực của mình. Và như dòng chảy thông tin bên trên, lựa chọn của họ đều hướng đến các tập tài chính nước ngoài lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, thương vụ bán cổ phần tại FE Credit không phải từ bỏ "gà đẻ trứng vàng", mà vẫn nắm giữ 50% vốn. Do đó, lợi nhuận của công ty này vẫn được hạch toán vào báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng.

Đồng thời, vị lãnh đạo của VPBank cũng chia sẻ thêm, việc hợp tác với SMBC có thể giúp ngân hàng tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ để tiếp tục phát triển FE Credit. Ngoài ra, nguồn tiền thu về từ thương vụ bán cổ phần sẽ giúp ngân hàng mẹ VPBank có thêm nguồn lực phát triển.

Hay như một minh chứng cho sự thành công khi bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài được thị trường ghi nhận đó là HD SAISON. Kể từ khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia quản trị điều hành, HD SAISON luôn mang về cho HDBank hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

"Tóm lại, dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính sụt giảm. Tuy nhiên việc bán vốn không hề có mối liên hệ với điều này. Chẳng qua, các ngân hàng đang muốn tận dụng dòng vốn ngoại và kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài để sẵn sàng cho điểm bùng nổ tín dụng tiêu dùng mới", một chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Đọc tiếp