Không có rào cản gì cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

FDI LAO ĐỘNG
18:56 - 17/09/2022
Kết hợp linh hoạt lao động trong nước và lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Kết hợp linh hoạt lao động trong nước và lao động nước ngoài tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị về nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh chủ động đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam cũng tạo điều kiện thông thoáng cho lao động nước ngoài ở Việt Nam.

Xác định lao động là một trong các yếu tố cần chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư nước ngoài, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 17/9, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam đang chủ động và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước hình thành thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Dung cho biết, Việt Nam coi việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người là chiến lược trong thời gian tới và là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

“Trong khâu tuyển dụng đối tượng ở vị trí quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao mà Việt Nam chưa đáp ứng được và người lao động Việt Nam chưa đảm nhận được thì các nhà đầu tư cần tính toán cho phù hợp với việc sử dụng lao động gắn với đào tạo, sử dụng người Việt Nam, bảo đảm hài hoà, hiệu quả”.

Thông tin từ các địa phương cho thấy, các tỉnh/thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo.

Hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, tỉnh ưu tiên hoàn thiện các hạ tầng đào tạo nhân lực. Trường Đại học Hạ Long được đầu tư, xây dựng từng bước trở thành trung tâm đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Quảng Ninh và khu vực.

Theo ông Văn, Quảng Ninh có lực lượng lao động trẻ với 51% lực lượng lao động có độ tuổi 15 – 39 và có trình độ giáo dục ở mức cao, đạt 38,3% có bằng đại học và sau đại học.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đây là lợi thế rất lớn cho Quảng Ninh vì sự phát triển của tỉnh đang trong thời kỳ "dân số vàng", tạo ra năng suất cao, sức mua lớn.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo. Tỉnh cũng hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư và nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng”, ông Nguyễn Tường Văn khẳng định.

Trong khi đó, tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN Hanssip), đại diện Ban quản lý cho biết, đây là mô hình "Hệ sinh thái công nghiệp". Đặc biệt, có Học viện đào tạo hướng nghiệp lao động - liên kết với hàng trăm trường đào tạo nghề của Việt Nam để sớm đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lao động.

Khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội bao gồm đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất - làm việc - sinh sống, tối đa hóa phục vụ người lao động - công nhân viên - cán bộ quản lý chuyên gia và các đối tác đến giao dịch sản xuất - kinh doanh dịch vụ tại KCN Hanssip.

Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN Hanssip).

Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN Hanssip).

Không có bất cứ rào cản nào cho lao động nước ngoài tại Việt Nam

Bên cạnh tập trung cải thiện chất lượng lao động trong nước, Bộ trưởng LĐTB&XH khẳng định sẽ linh hoạt trong việc kết hợp tạo điều kiện cho lao động nước ngoài ở Việt Nam.

“Hiện nay Việt Nam có 112.642 người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những nhân tố rất quan trọng và quan tâm giải quyết hài hoà nguồn lao động có tay nghề trong khu vực có đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Dung khẳng định.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng, thu hút và tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà quản lý giỏi, người lao động có trình độ tay nghề cao đóng góp cho Việt Nam, cũng như phục vụ lợi ích của các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài.

Đến nay hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam về thu hút, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài đã tương đối đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giải đáp về những thắc mắc của các đại biểu tại hội nghị về thủ tục cấp phép cho giảng viên, giáo viên trình độ cao vào giảng dạy ngắn hạn, Bộ trưởng Dung cho biết, đối với đối tượng này thì không phải cấp phép, chỉ cần cơ quan quản lý giáo dục xác nhận là chuyên gia, người có trình độ cao vào giảng dạy thì không phải cấp phép.

Thứ hai là các cơ sở cử chuyên gia liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ đào tạo chất lượng cao giữa các nhà đầu tư cho các trường nghề. Chúng tôi cho rằng cũng không phải cấp phép theo tinh thần đó, nếu có vướng mắc gì các đại biểu cứ chuyển lại cho chúng tôi xử lý ngay, linh hoạt trong cấp phép lao động và cải cách hành chính để doanh nghiệp không gặp khó khăn trong cấp phép, ông Dung nói.

Thời gian quy định ở đây là tối đa 5 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ bảo đảm, nếu quá 5 ngày mà thấy không đủ điều kiện thì phải trả lời ngay bằng văn bản và trả lời rõ. Trường hợp vi phạm điều này, các nhà đầu tư cứ báo với chúng tôi, chúng tôi sẽ cho thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã cơ bản thực hiện cấp phép qua Internet, đồng thời sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh để cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới hoàn toàn cấp phép qua mạng và kiểm soát vấn đề này nhanh nhất và hiệu quả nhất, tránh tiêu cực và giám sát tối đa.

Thứ ba, việc một số tập đoàn đề nghị cho phép người nước ngoài, chủ yếu là EU, làm việc linh hoạt hơn, bỏ giới hạn quy định thời gian gia hạn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Dung cho biết, theo Bộ luật Lao động năm 2019, thời gian cấp phép của người lao động là 2 năm. Hết 2 năm nếu có nhu cầu, người lao động nước ngoài chỉ cần đăng ký, sẽ tiếp tiếp tục được gia hạn 2 năm tiếp. Hết 2 năm tiếp mà có nhu cầu thì chúng ta tiến hành cấp phép lại.

“Như vậy cũng không có khó khăn gì, bảo đảm hài hoà theo thời gian. Xin nói là hiện nay Việt Nam có thể nới gần 5 năm rồi thì không có một rào cản gì cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam”, Bộ trưởng LĐTB&XH khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp