Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều tăng giá, ngân hàng chỉ còn MSB “lẻ loi”

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
17:01 - 08/10/2021
Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều tăng giá, ngân hàng chỉ còn MSB “lẻ loi”
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index giữ được mức điểm trên 1.370, tuy nhiên thanh khoản trên thị trường lại giảm đáng kể.

Trong phiên chiều, hàng loạt cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HOSE) đảo chiều tăng giá, trong đó có nhiều mã thuộc nhóm VN30 đã giúp chỉ số trên sàn HOSE củng cố đà lên điểm.

Cụ thể, trong nhóm VN30 có đến 24 mã tăng giá giúp VN30-Index chốt tăng 13,8 điểm, tương đương tỷ lệ 0,94%, lên 1.476 điểm. Nhiều mã trong nhóm này chuyển xanh như NVL, VJC, VCB, VPB, SSI… Một số mã trong nhóm có mức tăng tốt như: FPT tăng 4,9%, KDH tăng 2,8%, MSN tăng 2,7%, PNJ tăng 2,6%, SAB tăng 2,6%, PDR tăng 1,9%…

3 cổ phiếu họ Vingroup có VIC tăng 0,6%, hai mã còn lại là VRE và VHM giảm lần lượt 0,1% và 0,5%.

2 trong số 7 mã tăng giá kịch trần trên sàn này thuộc nhóm vận tải là TCO của Vận tải đa phương thức Duyên Hải và VNL của Vinalink.

Nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất MSB mang sắc đỏ, tỷ lệ giảm giá 0,2%. Ở chiều ngược lại, OCB tăng mạnh nhất nhóm nhà băng khi tăng 2,3%, EIB tăng 1,6%, TCB tăng 1,4%, SSB tăng 1,1%, HDB tăng 1%…

Đà tăng giá của nhóm bluechips đã giúp VN-Index một lần nữa vượt thành công ngưỡng 1.370 điểm bị “hụt” hồi phiên sáng. Chốt phiên, chỉ số sàn HOSE ghi nhận tăng 6,74 điểm, tương đương 0,49%, chốt tại 1.372, 73 điểm, đây là mức điểm cao nhất hơn 1 tháng rưỡi qua. So với cuối tuần trước, VN-Index ghi nhận tỷ lệ tăng 2,83%.

Tuy nhiên, thanh khoản cả phiên hôm nay giảm đáng gần 10% với phiên trước, với gần 633 triệu chứng khoán khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt hơn 17.958 tỷ đồng, mức thấp nhất trong tuần.

Các cổ phiếu trong nhóm chuyển nhượng sôi động gồm DLG với hơn 35 triệu đơn vị, FLC đạt hơn 27 triệu đơn vị, HPG đạt gần 22 triệu đơn vị, POW hơn 18 triệu đơn vị, ROS hơn 15 triệu đơn vị…

Trên sàn Hà Nội (HNX), chỉ số cũng ghi nhận phiên tăng điểm thứ năm trong tuần, chốt tại 371,92 điểm, tăng 1,52 điểm, tương đương 0,41%. Một số cổ phiếu trong nhóm HNX30 tăng tốt phiên này như L14 của Licogi 14, NVB của Navibank…

Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn này xuống mức báo động, khi chỉ đạt hơn 1.994 tỷ đồng, với hơn 97 triệu chứng khoán giao dịch. Đây là mức thanh khoản thấp nhất trên HNX kể từ cuối tháng Bảy.

Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, sàn HOSE bán ròng hơn 8,1 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 130 tỷ đồng, tập trung ở các mã HPG bán ròng hơn 1,3 triệu cổ phiếu, SBT, PAN, GEX cùng bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 63.800 cổ phiếu, giá trị bán ròng 4 tỷ đồng. Các mã bị bán nhiều gồm PVS, PVG, HUT, VNR, EID…

Trong báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây, đơn vị này đánh giá các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động đến thị trường, như bất động sản và ngân hàng (chiếm gần 54% giá trị vốn hóa thị trường) có triển vọng kinh doanh quý III không thực sự khả quan.

Cụ thể, quý III thường là quý thấp điểm ghi nhận kết quả đối với ngành bất động sản. Đồng thời, do giãn cách kéo dài ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng bị trì hoãn tại các khu vực trọng điểm như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, vốn có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong tương lai.

Với nhóm ngành ngân hàng, theo nhận định của VDSC, ước tính lợi nhuận trong quý III có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

Trong khi đó, Dragon Capital có cái nhìn khá tích cực với các ngành mà thị trường đang tỏ ra thận trọng như tài chính - ngân hàng, bất động sản, xây dựng. Các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi lớn sau khi mở cửa nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ việc giãn cách trong quý III nhưng Dragon Capital cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trở lại từ quý IV và tăng mạnh mẽ trong năm 2022./.

Tin liên quan

Đọc tiếp