Eximbank báo lãi gấp 3 lần, vượt 27% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng

EXIMBANK NGÂN HÀNG
15:31 - 26/10/2022
Eximbank báo lãi gấp 3 lần, vượt 27% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng
0:00 / 0:00
0:00
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank báo lãi trước thuế 3.181 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch lợi nhuận đề ra năm 2022 là 2.500 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, trong đó, thu nhập lãi thuần, nguồn thu nhập chính của ngân hàng, ghi nhận tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ mang về 1.492 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng ghi nhận đạt 27,54 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khoản thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần của ngân hàng trong kỳ tăng mạnh gấp 26 lần so với cùng kỳ, lên 4,9 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III của Eximbank cũng cho thấy, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 97 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 36%, ghi nhận 105 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý III/2022, Eximbank được hoàn nhập hơn 296 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích lập gần 412 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngân hàng thu được hơn 1.278 tỷ đồng lãi trước thuế, 1.024 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,1 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank được hoàn nhập gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ phải trích lập gần 503 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng thu được khoản lợi nhuận trước thuế 3.181 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.542 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.

Năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Eximbank đã vượt 27% kế hoạch.

Về tài sản, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 183.674 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 16%, tiền gửi tại NHNN đạt 5.445 tỷ đồng, tăng đến 60%, tiền gửi tại các TCTD đạt 32.484 tỷ đồng, tăng 29%, cho vay khách hàng đạt 127.446 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30/09, tổng nợ vay của EIB ghi nhận hơn 127.447 tỷ đồng, tăng 11%. Trong đó, nợ xấu 9 tháng đầu năm ghi nhận hơn 2.416 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) tăng nhẹ lên 405 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) cũng tăng 21% lên 1.639 tỷ đồng, trong khi đó, nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) giảm 34% xuống 372 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,96% xuống còn 1,9%.

Trên thị trường chứng khoán, trái với đà giảm của hàng loạt mã ngành ngân hàng, cổ phiếu EIB trụ vững. Thậm chí, tại phiên giao dịch ngày 25/10, EIB cũng gần chạm giá trần, tăng 6,8% lên 39.000 đồng/cp, thiết lập mức đỉnh lịch sử kể từ niêm yết trên sàn HoSE. Đây là cổ phiếu nhà băng duy nhất vượt qua nhịp giảm sâu của thị trường từ đầu tháng 9, thậm chí còn tăng mạnh cùng khối lượng giao dịch tích cực.

Ở một diễn biến khác, mới đây, hơn 117 triệu cổ phiếu EIB đã được nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Tập đoàn Thành Công chuyển nhượng, với số tiền ước tính lên đến 4.702,5 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 18/10, Tập đoàn Thành Công đã bán toàn bộ 60,54 triệu cổ phiếu EIB phiên 14/10 bằng phương pháp thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch 3.924 tỷ đồng, tương đương với giá 40.120 đồng/CP.

Bên cạnh đấy, từ ngày 10/10 – 14/10, CTCP Phúc Thịnh và Hợp tác xã Cổ phần Thành Công cũng đã nhượng lại toàn bộ 57,07 triệu cổ phần EIB bằng phương pháp thỏa thuận, qua đó thu về khoảng 2.277,1 tỷ đồng.

Cả 3 pháp nhân kể trên đều liên quan đến Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank bà Lê Hồng Anh - vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Ngoài ra, con gái bà Lê Hồng Anh là bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc cũng đã chuyển nhượng thỏa thuận gần 11,06 triệu cổ phiếu EIB vào phiên 10/10, ước tính thu về 439,6 tỷ đồng.

Hiện tại, Eximbank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với hơn 185,3 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 15,07%). Tuy nhiên hồi đầu năm nay, Eximbank đã kết thúc thỏa thuận liên minh chiến lược với cổ đông Nhật Bản.

Đọc tiếp