EU đồng ý hỗ trợ Ukraine bằng tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga

Viện trợ eu
12:46 - 09/05/2024
Bỉ đã đồng ý gửi cho Ukraine toàn bộ số tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: euronews
Bỉ đã đồng ý gửi cho Ukraine toàn bộ số tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: euronews
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/5, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch sử dụng hàng tỷ USD lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga nhằm trang bị cho Ukraine và tài trợ cho quá trình tái thiết.

Theo hãng tin AFP trích dẫn tài khoản chính thức Belgian Presidency of the Council of the EU 2024 trên mạng xã hội X cho biết, Bỉ đã đồng ý gửi cho Ukraine toàn bộ số tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động, dự kiến khoảng 3,2 tỷ USD/năm. Thỏa thuận này chuẩn bị được trình lên các bộ trưởng EU nhằm phê duyệt chính thức.

Tuyên bố cho biết các đại sứ EU đã “đồng ý về mặt nguyên tắc các biện pháp liên quan đến nguồn thu bất thường xuất phát từ tài sản cố định của Nga”. Số tiền này sẽ “để hỗ trợ quá trình phục hồi và phòng thủ quân sự của Ukraine”, với đợt đầu tiên dự kiến sẽ được giải ngân vào tháng 7 tới.

Là một phần của thỏa thuận, 90% tiền lãi sẽ được chuyển đến quỹ trung ương dùng để chi trả cho vũ khí cho Ukraine là European Peace Facility, trong khi 10% sẽ được chuyển đến quỹ Ukraine Facility riêng biệt của EU. Khoảng 90% số tiền bị đóng băng ở EU được nắm giữ bởi tổ chức tiền gửi quốc tế Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

Các nhà ngoại giao cho biết động thái này có thể giải phóng khoảng 1,8 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2024. Phí xử lý tài sản của Euroclear cũng được giảm 10 lần xuống còn 0,3% lợi nhuận như một phần của thỏa thuận.

Người đứng đầu Ủy ban EU Ursula von der Leyen thể hiện sự đồng tình của mình khi cho biết: “Không có biểu tượng nào mạnh mẽ hơn và không có công dụng nào hữu ích hơn việc sử dụng số tiền này để biến Ukraine và toàn bộ châu Âu trở thành một nơi an toàn hơn để sinh sống”.

Tuy nhiên, động thái này vẫn vấp phải thái độ không hài lòng từ một số quan chức cho rằng châu Âu vẫn chưa đủ tích cực và nhanh chóng. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Estonia – quốc gia đang dẫn đầu nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho Ukraine – tuyên bố thỏa thuận ngày 8/5 nên được xem là “bước đầu tiên” hướng tới việc sử dụng toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, EU cùng các quốc gia G7 đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Trong số đó, khoảng 211 tỷ USD đang được cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear nắm giữ. Từ năm 2023, những khoản tiền trên đã tích lũy được gần 4,7 tỷ USD tiền lãi.

Việc tịch thu toàn bộ số tài sản này và đưa cho Ukraine cho đến nay vẫn bị loại trừ do lo ngại động thái này có thể làm rung chuyển thị trường quốc tế và làm suy yếu đồng euro. Ngày 19/4 trước đó, Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer từng cảnh báo bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu tài sản dự trữ đóng băng của Nga đều cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định kế hoạch nhắm tới tiền lãi được trả cho các tài sản bị phong tỏa bất chấp cảnh báo của Điện Kremlin về “hậu quả nghiêm trọng”.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov từng khẳng định rằng tất cả các quốc gia EU và quan chức ủng hộ kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga sẽ phải chịu “truy tố pháp lý trong nhiều thập kỷ tới”.

Nga tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào được thực hiện đối với tài sản của mình sẽ bị coi là "trộm cắp", nhấn mạnh rằng việc tịch thu tiền hoặc bất kỳ động thái tương tự nào sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các loại tiền tệ phương Tây, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp