Đồng Euro tiếp tục trượt giá lần hai so với USD chỉ trong hơn 1 tháng

Euro eu
10:53 - 23/08/2022
Ngày 22/8, đồng Euro có thời điểm đã giảm xuống mức thấp nhất là 0,9935 USD. Ảnh: Reuters
Ngày 22/8, đồng Euro có thời điểm đã giảm xuống mức thấp nhất là 0,9935 USD. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Giá đồng Euro ngày 22/8 có lúc đã giảm xuống dưới mức tương đương với USD lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua. Điều này càng khiến các nhà đầu tư lo ngại hơn về tình hình suy thoái Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có chiều hướng gia tăng.

Theo RT, đồng Euro có thời điểm trong ngày 22/8 đã giảm xuống mức thấp nhất là 0,9935 USD, trước khi tăng nhẹ trở lại. Đây là một trong những mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua, sau khi có lúc tăng lên khoảng 1,03 USD vào đầu tháng này. Hồi tháng 2, đồng tiền này đã được giao dịch ở mức khoảng 1,15 USD.

Bloomberg dẫn lời chiến lược gia ngoại hối Kit Juckes của Societe Generale SA cho biết: “Vào cuối mùa hè, ​​đồng Euro sẽ chịu áp lực trở lại, một phần do đồng USD tăng giá, một phần vì ‘thanh gươm của Damocles’ treo trên nền kinh tế Châu Âu sẽ không biến mất”.

“Thanh gươm của Damocles” là một thuật ngữ ẩn dụ thường được phương Tây sử dụng để mô tả một mối nguy hiểm hoặc một phán quyết đang cận kề.

Từ tháng 7 đến nay, đồng Euro đã 2 lần trượt giá so với USD. Ảnh: Reuters

Từ tháng 7 đến nay, đồng Euro đã 2 lần trượt giá so với USD. Ảnh: Reuters

Đồng Euro gần đây đã có xu hướng giảm ổn định do lo ngại về suy thoái Khu vực đồng tiền chung châu Âu gia tăng trong bối cảnh không chắc chắn về nguồn cung năng lượng của Nga. Hồi tháng 7, đồng Euro lần đầu tiên chạm mức ngang giá với đồng USD kể từ năm 2002.

Theo Morgan Stanley, đồng Euro có thể trượt xuống 0,97 USD trong quý này. Đây sẽ là mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 2000. Trong khi đó, Nomura International dự báo đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm xuống 0,975 USD vào cuối tháng 9, sau đó có thể giảm tiếp xuống mức 0,95 USD hoặc thấp hơn. Nguyên nhân được xác định là do áp lực nguồn cung năng lượng gây rủi ro mất điện và Eurozone có thể phải tăng cường nhập khẩu năng lượng.

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Rzeczpospolita cùng ngày, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau nhận định, Liên minh châu Âu (EU) cần một cuộc cải cách cho phép các nước thành viên từ bỏ đồng Euro và quay trở lại đồng tiền quốc gia của họ.

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau. Ảnh: PAP
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau. Ảnh: PAP

“Sự bình đẳng của các quốc gia thành viên đòi hỏi phải khôi phục các cơ hội bình đẳng cho sự phát triển của họ. Điều này sẽ dẫn đến cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chủ nghĩa cấp tiến của cuộc cải cách này không thể loại trừ bất kỳ giải pháp nào, chẳng hạn như cho phép một số nước thành viên khu vực đồng tiền chung Châu Âu tạm thời hoặc vĩnh viễn quay lại sử dụng đồng tiền quốc gia”, ông Zbigniew Rau nói.

Trước đó, ông Jaroslaw Kaczynski, người đứng đầu Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền của Ba Lan, giữ chức Thủ tướng Ba Lan từ tháng 7/2006 đến tháng 11/2007 – từng nói rằng việc chuyển đổi từ đồng tiền quốc gia sang đồng Euro sẽ dẫn đến khiến người dân Ba Lan rơi vào cảnh nghèo khó, theo RT.

Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004, tuy nhiên quốc gia này không sử dụng đồng Euro làm tiền tệ của mình. Mặc dù theo Hiệp ước gia nhập, tất cả các quốc gia thành viên mới của EU phải gia nhập Eurozone, tuy nhiên họ cũng có quyền hoãn việc áp dụng đồng tiền chung như cách Ba Lan đã làm. Nhưng cuối cùng Ba Lan vẫn được cho là sẽ thay thế đồng Zloty bằng đồng Euro.

Trong khi đó, chính phủ hiện tại của Ba Lan đã nhiều lần phản đối việc gia nhập Eurozone trong tương lai gần, đồng thời nhấn mạnh rằng “Ba Lan duy trì độc lập và chủ quyền của mình”.

Tin liên quan

Đọc tiếp