Đảng của Tổng thống Pháp thất thế trong bầu cử Quốc hội

Bầu cử Pháp
12:32 - 20/06/2022
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đồng minh mất thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội sau cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 19/6, sau khi nhiều ghế rơi vào tay liên minh cánh tả và cực hữu mới thành lập. 

Theo AFP, liên minh “Cùng nhau!” của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội Pháp khóa tới khi giành được 245/577 tổng số ghế. Tuy nhiên, liên minh này đã mất vị thế phe chiếm đa số khi không thể giành được 289 ghế tối thiểu.

Trong khi đó, liên minh cánh tả mới NUPES do ông Jean-Luc Melenchon lãnh đạo đã giành được 135 ghế; còn đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen chiếm 89 ghế - gấp 10 lần so với cuộc bầu cử trước đó vào năm 2017 và thậm chí còn nhiều ghế hơn cả đảng Cộng hòa.

Cựu lãnh đạo Quốc hội Richard Ferrand và Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon thuộc liên minh “Cùng nhau!” đã mất ghế. Đây là hai trong số những thất bại lớn đối với ông Macron.

Tổng thống Macron gặp mặt những người ủng hộ trước khi cuộc bầu cử quốc hội diễn ra, ngày 19/6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macron gặp mặt những người ủng hộ trước khi cuộc bầu cử quốc hội diễn ra, ngày 19/6. Ảnh: Reuters

Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã đẩy chính trường nước này rơi vào tình thế bất ổn. Do không có đảng nào giành thế đa số tuyệt đối, Quốc hội rơi vào trạng thái “treo”, đòi hỏi mức độ chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp giữa các đảng phái. Đây là điều chưa từng xảy ra ở Pháp trong những thập kỷ gần đây.

Các bộ trưởng và những người ủng hộ thân cận của ông Macron thừa nhận rằng họ có thể sẽ phải thương lượng với những người khác ngoài liên minh để điều hành nước Pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi kết quả này là một "cú sốc dân chủ". Ông cho biết, nếu các khối khác không hợp tác cùng liên minh “Cùng nhau!” thì “sẽ cản trở năng lực của đảng cầm quyền trong việc cải cách đất nước và bảo vệ người dân Pháp”.

“Kết quả này là một rủi ro đối với đất nước chúng ta, trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt”, Thủ tướng Elisabeth Borne phát biểu, đồng thời cho biết từ ngày 20/6, liên minh của ông Macron sẽ tìm cách thành lập liên minh.

“Có những người ôn hòa, cánh tả, cánh hữu. Có những người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa và có những người cực hữu, có lẽ, về luật pháp, sẽ đứng về phía chúng tôi”, Người phát ngôn của chính phủ Pháp Olivia Gregoire nói.

Tổng thống Macron có thể sẽ giải tán quốc hội cũ và triệu tập các cuộc bầu cử mới nếu tình hình vẫn bế tắc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macron có thể sẽ giải tán quốc hội cũ và triệu tập các cuộc bầu cử mới nếu tình hình vẫn bế tắc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Emmanuel Macron, 44 tuổi, trở thành nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên trong hai thập kỷ giành được nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông đang phải điều hành một đất nước đang bị chia rẽ khi sự ủng hộ dành cho các đảng dân túy cánh hữu và cánh tả đã tăng lên.

Trong tình huống Quốc hội nước này vẫn bế tắc và không thể thành lập một chính phủ ổn định, Tổng thống Macron có thể sẽ giải tán quốc hội cũ và triệu tập các cuộc bầu cử mới.

Lịch sử chính trị Pháp chỉ có một lần một tổng thống điều hành một chính phủ thiểu số và phải đàm phán các thỏa thuận dựa trên từng dự luật cụ thể. Vào năm 1988, Tổng thống Francois Mitterrand thuộc đảng Xã hội Pháp không đảm bảo được đa số tuyệt đối trong quốc hội và trong suốt năm năm tiếp theo đã phải tìm kiếm các thỏa hiệp với các đảng khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp